Căng thẳng Mỹ-Iran: Mối nguy từ sự "ăn miếng trả miếng"

08/05/2019 15:52

Căng thẳng ngoại giao trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục bị đẩy lên cao do các biện pháp trả đũa lẫn nhau của hai bên.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống
Iran Hassan Rouhani (trái) 

Nhà Trắng vừa bất ngờ thông báo một tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom sẽ được triển khai ở Vịnh Persia để chống lại Iran ngay trước thời điểm ghi dấu 1 năm ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani được cho là đang chuẩn bị cho một bài phát biểu vào ngày 8.5 để bàn về những bước tiếp theo mà Tehran sẽ thực hiện nhằm đối đầu với Mỹ. Các quan chức nước Cộng hòa Hồi giáo này trước đó đã cảnh báo rằng Iran có thể tăng cường làm giàu urani và có khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sau nhiều tháng tìm cách cứu vãn. 

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 5.5 cho biết hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, các tàu chiến thuộc nhóm tấn công và một đội máy bay ném bom sẽ được triển khai đến Trung Đông. Bolton đổ lỗi cho “nhiều dấu hiệu và cảnh báo rắc rối leo thang”, mà không đưa ra thông tin chi tiết. Bolton nói: “Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với chế độ Iran, nhưng chúng tôi sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào, dù là theo ủy nhiệm, của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hay lực lượng Iran thông thường”.

Tại Iran, hãng thông tấn bán chính thức ISNA hôm 6.5 dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết Rouhani đã lên kế hoạch cho một bài phát biểu vào ngày 8.5 và có thể đề cập đến “các kháng cự” mà Tehran sẽ thực hiện liên quan đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. ISNA nói rằng các quan chức Iran đã thông báo cho các đối tác châu Âu- những nước đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran- về bài phát biểu này. ISNA cho biết: “Giảm thiểu một phần và hoàn toàn một số cam kết của Iran và nối lại một số hoạt động hạt nhân đã bị ngừng theo (thỏa thuận) là bước đầu tiên”. 

Tờ báo Javad theo đường lối cứng rắn của Iran, có liên kết với IRGC, hôm 8.5 cho biết Iran sẽ “châm mồi lửa để đốt cháy thỏa thuận”. Tờ báo cho biết trong ấn bản hôm 7.5 rằng Iran có thể thiết lập máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở làm giàu urani Natanz và bắt đầu quá trình làm giàu tại cơ sở Fordo, đây vốn là những hoạt động bị cấm theo thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Iran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015, điều cho thấy họ đã hạn chế việc làm giàu urani để đối lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tàn phá nền kinh tế vốn đã kiệt quệ của Iran, trong khi đó, lời hứa giúp đỡ của các đối tác châu Âu đối với thỏa thuận vẫn không thể xoa dịu nỗi đau. 

Vào đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ đã dừng miễn trừ lệnh cấm đối với các nước nhập khẩu dầu thô Iran - một nguồn tiền mặt quan trọng của Chính phủ Iran - đồng thời liệt chính quyền Hồi giáo vào danh sách “ủng hộ khủng bố” và IRGC là “thành phần khủng bố”. Không rõ các quan chức Mỹ đã nhận thấy mối đe dọa nào từ Iran. Một quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ với hãng tin AP rằng quân đội Mỹ trên đất liền và trên biển cho thể bị nhắm mục tiêu. Có nguồn tin cho hay Israel cũng đã chia sẻ thông tin tình báo về mối đe dọa đến lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Bị ngăn cấm xuất khẩu dầu hỏa, Tehran đe dọa "ăn miếng trả miếng": Nếu tàu chở dầu Iran bị cấm lưu thông thì không một tàu thuyền nào khác có thể đi qua eo biển Ormuz, Iran đủ sức mạnh quân sự để phong tỏa. Theo tuyên bố của Bolton, ngay lập tức, Washington đáp trả: Nếu eo biển Ormuz bị Iran phong tỏa thì Mỹ sẽ giải tỏa bằng vũ lực. 

Tàu USS Abraham Lincoln đã ở Biển Địa Trung Hải để tiến hành các hoạt động cùng với USS John C. Stennis, một tàu sân bay khác đã 2 lần đến Vịnh Persia trong những tháng gần đây. Ngay trong Vịnh Persia là một nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ do USS Kearsarge dẫn đầu - một tàu tấn công đổ bộ chở quân từ Đơn vị Viễn chinh Hải quân số 22. USS Kearsarge cũng mang theo nhiều máy bay chiến đấu AV-8B Harrier, máy bay trực thăng MH-60 và “chim ưng biển” MV-22 Osprey. Ở Hạm đội 5, có 17 tàu chiến được huy động, theo số liệu gần đây nhất của Viện Hải quân Mỹ, để theo dõi việc triển khai trên toàn thế giới. 

Vấn đề là lực lượng hùng hậu này có làm Tehran lo sợ hay không? Theo AP, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Keivan Khosravi cho rằng đây chỉ là “cuộc chiến tâm lý”. 

Iran không thể đọ sức với Mỹ, nhưng lại hơn đối phương về địa lợi. IRGC đóng vai trò chính trong việc bảo vệ eo biển Ormuz, bố trí hàng trăm hỏa tiễn chống hạm trong các chiến hào kiên cố dọc theo bờ biển và các đảo nhỏ. Tàu chiến, tàu chở dầu đi qua eo biển Ormuz sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Ở vịnh Persia, tương quan lực lượng bất lợi cho Iran. Hải quân chính quy Iran không thể đấu lại Hạm đội 5 của Mỹ, nhưng có thủy lôi, có các thuyền xung kích đã từng liều lĩnh bám chặt, thử nghiệm phản ứng tàu chiến Mỹ.

Nhà phân tích Alain Rodier, cựu sĩ quan tình báo, trợ lý giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Pháp, đã so sánh một cách dí dỏm cuộc đọ sức giữa Iran với Mỹ, nếu xảy ra, sẽ giống với tình hình xã hội tại Pháp khi phe biểu tình “áo vàng” chiến đấu với lực lượng cảnh sát. Cho dù Mỹ có đủ sức tiêu diệt hàng trăm tên lửa của Iran thì chiến sự cũng phải kéo dài nhiều tháng, chưa kể lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC thiện chiến của Iran có thể tiến hành hàng loạt vụ khủng bố ở phương Tây. Ngoài ra, trong thời gian eo biển Ormuz biến thành chiến trường, kinh tế thế giới ra sao nếu bị thiếu dầu? Chắc chắn, không ai được lợi.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng Mỹ-Iran: Mối nguy từ sự "ăn miếng trả miếng"