Bước tiến thực chất trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc

06/09/2019 17:25

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa kết thúc chuyến công du kéo dài một tuần từ ngày 2-6.9 tới 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Myanmar và Lào.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề cập tới việc kết nối Chính sách hướng Nam mới của Seoul và sáng kiến "Thái Lan 4.0" của Bangkok tại cuộc hội đàm ngày 2.9. (Nguồn: Yonhap)

Sau hàng loạt chuyến công du các nước Đông Nam Á kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức năm 2017, chuyến công du lần này cho thấy chính quyền Seoul rất chú trọng quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trọng tâm trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác với Thái Lan trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0


Tại cuộc hội đàm song phương ở Thủ đô Bangkok, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã thảo luận về thúc đẩy hợp tác song phương để tạo động lực tăng trưởng mới.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập tới chính sách hướng Nam mới của Seoul và sáng kiến "Thái Lan 4.0" của Bangkok đồng thời bày tỏ hy vọng về sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Thái Lan trong việc thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng nếu chính sách hướng Nam mới của Seoul và sáng kiến "Thái Lan 4.0" của Bangkok được "kết nối", hai bên sẽ có thể hướng tới một tương lai cùng nhau phát triển. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh rằng Thái Lan là một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách hướng Nam mới nhằm giúp Hàn Quốc tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.


Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng lưu ý rằng quan hệ của Thái Lan với Hàn Quốc đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm giáo dục, đầu tư và công nghệ. Ông Prayut cũng cho biết hai bên có tiềm năng hợp tác kinh tế lớn. Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in  lần này là một cơ hội rất tốt.


Tổng thống Moon Jae-in trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Hàn Quốc thăm quốc gia Đông Nam Á này trong 7 năm qua. Ông cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Thái Lan để từ khi Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhậm chức hồi tháng 7 vừa qua.


Myanmar, Hàn Quốc ký 5 thỏa thuận hợp tác


Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Myanmar, hai nước đã ký 5 thỏa thuận tại Thủ đô Nay Pyi Taw.


Các thỏa thuận đã được ký ngay sau khi ông Moon tới Myanmar, bao gồm một thỏa thuận về khuôn khổ cho vay để hợp tác phát triển kinh tế từ năm 2018-2022; một bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập trung tâm thông tin ở Yangon nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ở Myanmar; một MoU về hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển, nâng cấp nhà máy đóng tàu, vận tải và xây dựng cũng như quản lý tại các bến cảng; một MoU về hợp tác khoa học và công nghệ; một MoU về hợp tác trong các ngành kinh doanh mới nổi và lĩnh vực sáng tạo.


Trước lễ ký kết, Tổng thống Myanmar U Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã có các cuộc gặp riêng rẽ với nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Nội dung các cuộc hội đàm nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác, đầu tư, kinh tế, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, trao đổi văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, thành lập tổ hợp công nghiệp Hàn Quốc-Myanmar, phát triển ngành công nghiệp và thúc đẩy ngành du lịch. Các nhà lãnh đạo hai bên cũng trao đổi quan điểm về hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên, các cơ hội kinh doanh giữa hai nước phù hợp với Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động Myanmar ở Hàn Quốc, và các nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Myanmar.


Chuyến thăm đánh dấu Tổng thống Moon Jae-in là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên thăm Myanmar sau 7 năm, kể từ năm 2012.


Tổng thống Hàn Quốc công bố "Tầm nhìn Mekong"


Tại Lào, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 3 quốc gia Đông Nam Á, sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Thongloun Sisoulith, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố chiến lược của Seoul về tăng cường quan hệ đối tác chặt chẽ với các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thiết lập một vị trí vững chắc trong khu vực.


Phát biểu khi cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Vorachith tới thăm một dự án chung của hai nước đang được triển khai ở khu vực sông Mekong chảy qua Thủ đô Viêng Chăn, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: "Toàn bộ thế giới hiện đang chú ý đến sự phát triển của khu vực sông Mekong. Hàn Quốc hy vọng sẽ cùng phát triển thịnh vượng với các nước thuộc khu vực sông Mekong và hy vọng "Phép màu của sông Hàn" sẽ dẫn đến "Phép màu của sông Mekong". Tổng thống Moon Jae-in đồng thời nhấn mạnh rằng bản chất năng động và tiềm năng phát triển của các nước thuộc khu vực sông Mekong và tinh thần tôn trọng lẫn nhau sẽ mở ra tương lai mới của thế giới.


"Tầm nhìn Mekong" mà Tổng thống Moon Jae-in đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu "cùng nhau thịnh vượng" bao gồm 3 trụ cột: Sự thịnh vượng dựa trên kinh nghiệm chia sẻ; Tăng trưởng bền vững; Hòa bình và cùng thịnh vượng tại Đông Á. Theo ông, Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các làng nông nghiệp và nước này dự định sẽ chia sẻ bí quyết về đào tạo và phát triển nhân lực với các quốc gia khác.


Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ công nghệ với các nước khác trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.


Về tầm nhìn thịnh vượng bền vững, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh cần phải bảo vệ sông Mekong khỏi tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Ông đề xuất chiến lược tăng trưởng xanh để kết nối các nguồn lực của Mekong với các lĩnh vực sinh học và y tế, trong đó "Hàn Quốc sẽ hỗ trợ xây dựng đường bộ, cầu, đường sắt và cảng giữa các quốc gia Mekong".


Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận bổ sung về "Tầm nhìn Mekong" sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Các nước thuộc khu vực sông Mekong (gồm: Campuchia, Myanmar, Lào, Việt Nam và Thái Lan) tổ chức tại Busan vào ngày 27.11 tới và tiếp đó là Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN cũng tại thành phố này nhân kỷ niệm 30 năm đối thoại song phương.


Tổng thống Moon Jae-in là nhà lãnh đạo đầu tiên của Hàn Quốc thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1974.

Bước tiến thực chất


Từ lâu, Hàn Quốc đã nỗ lực nhằm đa dạng hóa các đối tác ngoại giao và kinh tế, song nỗ lực này thực sự được đẩy mạnh kể từ khi Tổng thống theo trường phái tự do Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5.2017. Đặc biệt, thắt chặt các mối quan hệ chủ yếu với các nước thành viên ASEAN luôn là một trọng tâm trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc. Không những vậy, chính sách này còn giảm bớt sự lệ thuộc vào các đối tác truyền thống của Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Giới chức chính quyền Hàn Quốc cho biết đây không phải là lời nói, mà là một chính sách ưu tiên thực sự, được đại diện bằng khẩu hiểu với 3 chữ P mang nghĩa: nhân dân (people), thịnh vượng (prosperity) và hòa bình (peace).


Nhằm thúc đẩy chính sách cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước thuộc ASEAN, trong hơn 1 năm qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công du một loạt quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia hồi cuối năm 2017, tới Việt Nam tháng 3 và tới Singapore hồi tháng 7.2018, tới Brunei, Malaysia và Campuchia tháng 3.2019. Các chuyến thăm này đã mở ra cơ hội thuận lợi để Hàn Quốc và ASEAN đẩy mạnh hợp tác toàn diện, trong bối cảnh quan hệ hai bên đang ngày càng được củng cố. Và chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á Thái Lan, Myanmar và Lào lần này là bước tiếp theo trong việc triển khai chính sách "Chính sách hướng Nam mới".


Chuyến công du 3 nước ASEAN của nhà lãnh đạo Hàn Quốc càng có ý nghĩa hơn khi ASEAN và Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc - ASEAN vào cuối năm nay tại Seoul để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên.


Nhìn lại chặng đường từ năm 1989, khi Hàn Quốc trở thành đối tác của ASEAN, có thể thấy hai bên đã ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN - Hàn Quốc trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, đào tạo, văn hóa và giao lưu nhân dân cũng như triển vọng quan hệ tương lai tốt đẹp.


Trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN- Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020, đến nay đã có 31/35 lĩnh vực được thực hiện. Trong các năm 2018-2019, có 27 lĩnh vực với 122 dòng hành động được triển khai hoặc chuẩn bị triển khai.


Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN hiện là một đối tác quan trọng của Hàn Quốc nhờ tiềm năng tăng trưởng, nguồn lực dồi dào và ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của tổ chức này. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc trong khi đó Hàn Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư trực tiếp (FDI) lớn thứ năm của ASEAN. Theo số liệu thống kê, năm 2018 kim ngạch thương mại ASEAN-Hàn Quốc đạt hơn 160 tỷ USD và tổng vốn FDI  vào ASEAN là 5,3 tỷ USD. Thông qua các khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AFFTA) và Kế hoạch hành động, Hàn Quốc với các nước ASEAN đang phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỷ USD giá trị tổng kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020.


Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa người dân với nhau cũng như trao đổi văn hóa đã tăng lên theo cấp số nhân. ASEAN là khu vực mà có hơn 500.000 người đang làm ăn, sinh sống và học tập ở Hàn Quốc. Làn sóng Hàn Quốc “K-Wave” được chào đón ở ASEAN trong hơn 10 năm qua. Nhiều công dân ASEAN đã đến Hàn Quốc thăm quan, du lịch. Các hội nghị vào tháng 11 tới cũng sẽ mang đến những sáng kiến quan trọng để mang lại lợi ích cho các công dân ASEAN như dễ dàng xin visa vào Hàn Quốc, tăng cơ hội học tập nghiên cứu tại Hàn Quốc cũng như tại các nước ASEAN…


Những kết quả đạt được trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á Thái Lan, Myanmar và Lào của Tổng thống Moon Jae-in chẳng những là bước tiến thực chất của chính sách hướng Nam mới, mà còn tạo động lực để quan hệ Hàn Quốc - ASEAN nói chung và quan hệ giữa Hàn Quốc với từng quốc gia ASEAN nói riêng tiếp tục phát triển sâu rộng và hiệu quả trên nền tảng lợi ích chung./.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước tiến thực chất trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc