Bản chất chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không nằm ở thương mại

15/10/2018 14:03

Nhà bình luận kinh tế chính trị độc lập tại Bắc Kinh nhận định, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ- Trung không nằm nhiều trong lĩnh vực thương mại.


Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống văn minh và giá trị khác nhau. Ảnh: Business Today

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống văn minh và giá trị khác nhau, Zhang Lin – nhà bình luận kinh tế chính trị độc lập tại Bắc Kinh viết trong bài bình luận trên South China Morning Post.

Dù mất cân bằng thương mại giữa hai nước là điều được nhắc đến nhiều trên truyền thông, đối với cả Mỹ và Trung Quốc, điều này lại không có nhiều ý nghĩa, theo Zhang Lin. Đối với Trung Quốc, vai trò của xuất khẩu ròng đối với phát triển kinh tế đã trở nên tiêu cực từ năm 2008. Còn đối với Mỹ, thâm hụt thương mại là không thể tránh khỏi khi nước này tiêu thụ 30% sản phẩm của thế giới nhưng chỉ sản xuất 13%. Cả Washington và Bắc Kinh đều biết rõ xung đột không chỉ nằm ở thương mại.

Nhìn vào quá khứ

Washington suy nghĩ rất kỹ về đối sách với Trung Quốc. Mỹ đã mở cánh cửa để Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2001 và giúp Bắc Kinh phát triển thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối đi theo con đường Mỹ hy vọng.

Cùng năm Trung Quốc tham gia WTO, sự kiện khủng bố 11.9 chấn động toàn thế giới xảy ra tại Mỹ. Điều này khiến chính quyền Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George Bush phải thay đổi ưu tiên chính sách đối ngoại và chính sách với Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Thượng Hải năm 2001, Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ chính sách chống khủng bố của Washington.

Nếu sự kiện 11.9 không xảy ra, ông Bush đã có nhiều thời gian và nguồn lực để gây áp lực buộc Trung Quốc “phát triển” theo hướng mong muốn, Zhang Lin bình luận. Nhưng lúc đó Bắc Kinh xem Washington là bạn chứ không phải đối thủ.

Thế rồi khủng hoảng cho vay mua nhà dưới chuẩn (với những người có tín dụng thấp) tại Mỹ năm 2008 biến thành khủng hoảng tài chính tại thị trường Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới, khiến thế giới mất niềm tin vào toàn bộ hệ thống dân chủ/thương mại tự do, hay những giá trị của mô hình kinh tế "Đồng thuận Washington".

Trung Quốc, trong khi đó, sử dụng con đường riêng của mình với một gói kích thích kinh tế lớn. Sự can thiệp của nhà nước trở thành một cơ chế phổ biến trên toàn thế giới – và mô hình của Trung Quốc đột ngột trở nên hấp dẫn. Mô hình này được định nghĩa bằng một quốc gia mạnh, có sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhà nước, khuynh hướng chính trị và xã hội phần nào nằm trong kiểm soát – tạo ra thứ gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh".

Nhưng bức tranh thực tế tại Trung Quốc không hẳn chỉ toàn màu hồng. Chính phủ kích thích giúp làm giàu các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương nhưng làm ảnh hưởng đến nhóm tư nhân, khiến cấu trúc kinh tế của Trung Quốc trở nên méo mó và gieo mầm rắc rối, theo Zhanglin.

Quá trình thay đổi thị trường do ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu cuối những năm 1970 bị đình trệ và trong một số trường hợp không tỏ ra hiệu quả. Một số nhóm lợi ích, dưới mô hình nhà nước lãnh đạo, từ chối tự do hóa kinh tế và cải cách chính trị, dẫn đến một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Nhìn vào quá khứ, có thể thấy Mỹ không có vấn đề gì với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng không đồng tình với mô hình này. Vì vậy phát động một cuộc chiến thương mại có thể giúp Mỹ bảo vệ mô hình của mình.

Đồng minh hay đối thủ: Do giá trị quyết định

Theo Zhang Lin, Mỹ dựa vào các giá trị để phân biệt đồng minh với kẻ thù và hình thành liên minh dựa trên những giá trị đó. Điều này giải thích tại sao Mỹ hướng tới thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), bên cạnh đó đang trong quá trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Rõ ràng Mỹ đang cố gắng hình thành một mặt trận thương mại thống nhất với các đồng minh  để chống lại Trung Quốc, Zhang Lin nhận định. USMCA gần như nhắm trực tiếp đến Trung Quốc khi đặt ra điều khoản có thể đảo ngược các thỏa thuận thương mại tự do của thành viên với “một nước kinh tế không thị trường”.

Thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất về hàng hóa của thế giới, đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia. Vì vậy rất khó để các đồng minh Mỹ ngừng mua bán với Trung Quốc. Nhưng quyết tâm cạnh tranh với Bắc Kinh của Washington có thể dẫn đến sự thay đổi nền tảng.

Bên cạnh đó, đối với các đồng minh Mỹ và một số nước khác, về kinh tế và chính trị, Mỹ vẫn quan trọng hơn Trung Quốc. Lượng nhập khẩu của Mỹ từ EU, Nhật Bản và Canada cộng lại gấp hơn hai lần lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài ở Mỹ gấp 4 lần ở Trung Quốc. Nếu một ngày phải chọn bên này bên kia, có lẽ nhiều người sẽ chọn Washington thay vì Bắc Kinh.

Hiện tại, sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là một cuộc chiến tranh lạnh chia rẽ thế giới thành hai “phe”. Nhưng đây là điều rất có nguy cơ xảy ra, nhà phân tích Zhanglin nhận định.

Theo VTC.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản chất chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không nằm ở thương mại