Nnhiều doanh nghiệp trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân như: DFG, Lục Nam, Tiến Long ...
Chiều 21 - 9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm việc với UBND huyện Bình Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo, huyện Bình Giang có 4 CCN với tổng diện tích 168,7ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 52%. Trong đó, CCN Hưng Thịnh đã được lấp đầy 100% diện tích. Có 65 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất trong các CCN. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhiều doanh nghiệp trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân như: DFG, Lục Nam, Tiến Long, Phú Thiên Long (CCN Tân Hồng - Vĩnh Hồng), Công ty Tân Phú, Duyên Hải (CCN làng nghề Tráng Liệt - Thúc Kháng)... Một số doanh nghiệp chưa thực hiện quan trắc và báo cáo môi trường định kỳ. Toàn bộ nước thải, nước mưa được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm và bức xúc trong nhân dân. Nước thải sinh hoạt và sản xuất của một số cơ sở vượt tiêu chuẩn cho phép như các Công ty DFG, Tiến Long, Lục Nam, Minh Ngọc... Việc thu gom, phân loại, quản lý chất thải rắn chưa thực hiện tốt. Trong số 65 doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 40 doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định...
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, công tác bảo vệ môi trường trong các CCN ở huyện Bình Giang chưa được chính quyền địa phương coi trọng. Việc kiểm tra, xử phạt chưa thường xuyên... Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Bình Giang cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp đang hoạt động trong các CCN. Phấn đấu hết quý I - 2012, tất cả các doanh nghiệp trong CCN phải có đánh giá ĐTM hoặc cam kết bảo vệ môi trường.
LÃ VỌNG