Bình đẳng giới, thực hiện mục tiêu nam nữ bình quyền vừa là mục tiêu, vừa là động lực cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, bảo vệ đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến bình đẳng giới, thực hiện mục tiêu nam nữ bình quyền. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, bảo vệ đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận định: Trong một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam, người phụ nữ chịu hai tầng áp bức (áp bức của thực dân, áp bức của phong kiến) lại thêm sự đối xử "trọng nam khinh nữ". Do vậy, con đường giải phóng phụ nữ không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, quyền bình đẳng nam nữ đã được ghi trong điều 9: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện". Các bản Hiến pháp tiếp theo đó (1959, 1980, 1992) đều thể hiện quan điểm bình đẳng nam nữ. Thực hiện quyền bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam được tham gia bàn bạc quyết sách những vấn đề lớn ở tầm quốc gia, địa phương, cơ sở trong các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Đảng và Nhà nước có những chính sách riêng về lao động nữ, về cán bộ nữ để bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng... Vì vậy, nhiều chị em đã đảm đương các nhiệm vụ trọng trách của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Trong các lĩnh vực công tác, học tập, trong lao động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... vị trí người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện được phẩm chất, năng lực của mình. Chính từ mục tiêu "nam nữ bình đẳng" đã tạo động lực cho chị em cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Bình đẳng giới ở Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Vụ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh đã có những nhận xét hết sức tốt đẹp: "Việt Nam được xem như một trong những nước tiến bộ hàng đầu về lĩnh vực bình đẳng giới".
Tuy nhiên, so với mục tiêu bình đẳng giới cũng còn những hạn chế thể hiện ở ngay trong từng gia đình, từng phụ nữ. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, chủ trương đại biểu là nữ phải chiếm trên 30%. Nhưng kết quả không như mong muốn. Ở tỉnh ta, tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ đạt 24,07%, đại biểu HĐND nữ đạt 18%, thấp hơn so với các nhiệm kỳ trước.
Bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực của các phong trào cách mạng quần chúng. Hơn lúc nào hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, các thành viên trong hệ thống chính trị cần quan tâm đúng mức đến công tác này, bao gồm từ chủ trương, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đến vai trò phụ nữ thực sự trở thành lực lượng cách mạng to lớn góp phần quan trọng đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
VŨ HOÀNG LUYẾN