Không giống như những đứa trẻ bình thường khác, sinh ra các em đã phải mang căn bệnh thế kỷ HIV do lây truyền từ mẹ.
Trẻ em nhiễm HIV luôn cần sự quan tâm
Bất hạnh là thế nhưng nhiều em lại tiếp tục bị bỏ rơi, chết dần chết mòn vì bệnh tật.
Thiếu sự quan tâm13 tuổi nhưng em T.V.H. ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) chỉ như đứa trẻ lên 7. Em là bệnh nhi đầu tiên từ khi triển khai điều trị cho trẻ em nhiễm HIV vào năm 2008 của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Thời gian đầu, H. sống với mẹ, em được uống thuốc đúng giờ nên sức khỏe hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sau khi bố mất vì HIV, mẹ phải đi làm từ sáng đến tối muộn mới về, không được uống thuốc thường xuyên nên sức khỏe của H. cứ sa sút dần. Đáng thương hơn em bị căn bệnh lao đa màng tấn công. Đi hết từ phác đồ bậc 1, bậc 2 nhưng không có kết quả do căn bệnh lao đã kháng đa thuốc. Thân hình em ngày càng gầy guộc, nhiều người đến thăm không khỏi xót xa. Chỉ vì thiếu sự quan tâm của gia đình mà cơ hội sống khỏe mạnh đang dần khép lại với cậu bé đáng thương này.
Sinh ra trong gia đình cả bố và mẹ đều nhiễm HIV, N.V.T. (6 tuổi ở Bình Giang) cũng phải điều trị thuốc kháng vi-rút ARV từ lúc sinh ra. Nhưng từ khi mẹ mất, bố vẫn không từ bỏ được ma túy, thiếu sự quan tâm nên sức khỏe của em đang dần yếu đi. Dù cả 2 bố con đều đang được điều trị tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh nhưng em không được tái khám đúng hẹn, uống thuốc thì thất thường. Các bác sĩ của trung tâm đang cho em xét nghiệm xem có bị kháng thuốc hay không vì cơ thể em hiện đáp ứng điều trị rất kém.
“Khoảng 10% trong tổng số hơn 50 trẻ em nhiễm HIV đang điều trị tại trung tâm thiếu sự quan tâm của gia đình, dẫn đến việc không tuân thủ điều trị. Phần đông các em đều có bố mẹ nhiễm HIV hoặc cả nhà 4 người đều nhiễm", bác sĩ Vũ Tiến Vượng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, tư vấn HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết.
Hiện nay, khoảng 80% số gia đình đang điều trị cho trẻ ở trung tâm là hộ nghèo. Đây cũng là rào cản khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Quyền được khỏe mạnhGặp N.H.P. 18 tuổi (TP Hải Dương) ở bên ngoài không ai nghĩ rằng P. đang mang trong mình căn bệnh HIV vì sức khỏe của em hoàn toàn bình thường. P. học giỏi, có bạn bè, có người yêu như các bạn cùng trang lứa. Có điều khác là hằng tháng em vẫn phải đến trung tâm khám và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. 17 năm nay, đều đặn hằng ngày, vào đúng giờ em vẫn uống thuốc và vui vẻ sống với hành trang kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân và phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Bác sĩ Vũ Tiến Vượng cho biết thêm: “Việc điều trị cho trẻ em nhiễm HIV đòi hỏi sự quan tâm rất lớn từ phía gia đình như đưa các em đến khám đúng lịch, uống thuốc đều đặn và động viên tinh thần giúp trẻ phát triển bình thường. Nếu không làm được điều đó, các em sẽ phải gánh chịu các bệnh nhiễm trùng cơ hội xâm nhập như lao đa kháng, nấm thực quản, viêm phổi, suy mòn. Điều trị muộn có thể khiến trẻ chết trước 5 tuổi”. Hơn nữa, việc tuân thủ điều trị còn có ý nghĩa rất lớn bởi khi trẻ lớn lên sẽ có những thắc mắc về căn bệnh này. Nếu gia đình không được trang bị kỹ năng tiết lộ bệnh thì rất khó để trẻ chấp nhận và sống chung với căn bệnh HIV.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đến tuần tuổi thứ 6 khi xét nghiệm dương tính với HIV thì cần phải điều trị ngay. Quá trình điều trị sẽ kéo dài và bắt buộc phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Hiện nay, chi phí điều trị như thuốc, một số xét nghiệm vẫn được Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Khi tham gia điều trị, gia đình trẻ sẽ được tư vấn giúp trẻ có cuộc sống hòa nhập cộng đồng, phát triển bình thường. Để các em có một cuộc sống bình thường, được vui chơi, học tập không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành y tế mà chính những người thân của trẻ phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm hơn nữa.
MINH HẠNH