Trong thông báo tối muộn 26.7, cảnh sát ở thủ đô Bắc Kinh cho biết đã bắt giữ 67 người biểu tình vì tội gây rối trật tự công cộng.
Người dân Trung Quốc biểu tình ở Bắc Kinh ngày 24.7 - Ảnh chụp lại màn hình |
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của cảnh sát Bắc Kinh cho biết một số người bị bắt đã được trả tự do sau khi được “giáo dục về luật pháp”.
Trong khi đó hãng tin Tân Hoa xã cho biết nhiều người đã biểu tình ở ngoại ô phía nam thủ đô Trung Quốc sau vụ ban lãnh đạo của Công ty TNHH Thiện Tâm Hối (Shanxinhui) bị bắt giữ tuần trước.
Theo Reuters, cơ quan chức năng đã ngăn chặn một số tuyến đường dẫn vào trung tâm thủ đô của Trung Quốc nhưng số người tập trung vẫn đông.
Ngày 21.7, hãng tin Tân Hoa xã đã đăng bài viết nói rằng đại diện Công ty TNHH Thiện Tâm Hối là ông Trương Thiên Minh bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động phạm tội cùng lãnh đạo một số tổ chức khác, những người bị tình nghi đã bị tiến hành các biện pháp cưỡng chế hình sự.
Bộ Công an Trung Quốc đã kết luận hoạt động của Thiện Tâm Hối là phi pháp và bắt giữ ông Trương Thiên Minh - đại diện hợp pháp của công ty, đồng thời đóng băng tài khoản ngân quỹ của Thiện Tâm Hối.
Lo lắng về việc ông Trương bị bắt giữ cũng như cảm thấy vô vọng trước việc thu hồi lại vốn, từ ngày 21.7, hàng loạt thành viên của Thiện Tâm Hối đã bắt đầu đến Bắc Kinh để biểu tình.
Đến ngày 24.7, ước đoán có hơn 60.000 người tham gia biểu tình trước Trung tâm Triển lãm Quốc tế Đại Hồng Môn Bắc Kinh, Viện Kiểm sát tối cao và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương yêu cầu trả tự do cho ông Trương.
Sau một vài giờ biểu tình trong ngày 24.7, cảnh sát Trung Quốc đã điều hàng loạt xe buýt đến và đưa những người biểu tình đi, giải tán đám đông.
Cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc triển khai tập chống bạo động ở Bắc Kinh ngày 22.7 - Ảnh: REUTERS |
Thiện Tâm Hối là một chương trình đầu tư với tiêu chí “giàu nghèo cộng sinh”, đã kêu gọi được hơn 6 triệu hội viên tham gia trên toàn quốc.
Mô hình của Thiện Tâm Hối bị Bộ Công an Trung Quốc gọi là tổ chức kinh doanh đa cấp bất hợp pháp. Chính quyền đánh giá rằng đây là một vụ lừa đảo nguy hiểm, lợi dụng sự cả tin và hào phóng của những người yêu thích ý tưởng vừa kiếm tiền vừa giúp đỡ người khác.
Theo hãng tin Reuters, ngày 1.2.2016, chính quyền Trung Quốc từng bắt giữ 21 người trong đường dây kinh doanh đa cấp đã móc túi của 900.000 nạn nhân hơn 50 tỉ nhân dân tệ (7,4 tỉ USD).
Hãng tin Tân Hoa xã cho biết những người bị bắt là các thành viên công ty hoạt động tài chính trên mạng Ezubao.
Công ty này cam kết với các nhà đầu tư về mức lợi nhuận lên tới 9-14,6% mỗi năm ở hàng loạt dự án. Mức lợi nhuận này vượt xa nhiều dịch vụ tài chính mà các ngân hàng Trung Quốc đưa ra.
Kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 7.2014, Ezubao đã thu hút hơn 50 tỉ NDT từ 900.000 nhà đầu tư. Trên thực tế tất cả các dự án của Ezubao đều là dạng bình phong, và công ty này lấy tiền của các nhà đầu tư mới để trả nợ cũ.
Ezubao là công ty con của tập đoàn Yucheng Group. Tổng giám đốc Yucheng Group là Zhang Min - một trong những người bị bắt giữ, thừa nhận Ezubao “chỉ là một trò lừa đảo mô hình đa cấp”.
Tập đoàn Yucheng Group đã chi khoảng 800 triệu NDT, tương đương 121 triệu USD, để mua thông tin tài chính từ các công ty nhằm dựng lên các dự án ảo.
Theo Tuổi trẻ