Minh họa: Văn Hà
“Có người từ lâu nhớ thương biển…". Câu hát ấy cứ day dứt vang lên mỗi khi tôi về qua ngôi nhà màu xanh. Lúc đầu khi mới chuyển đến con ngõ ấy tôi nghĩ, chắc chủ nhân ngôi nhà mê nhạc Trịnh. Nhưng về sau, mỗi lần ngang qua tôi đều nghe duy nhất bản nhạc ấy, lại nghĩ chắc họ chỉ mê “Biển cạn”.
Cầm tấm bằng cử nhân màu đỏ, tôi lang thang rong ruổi khắp nơi trong thành phố, đến đâu người ta cũng nhìn tôi ái ngại rồi lắc đầu: “Cơ quan đang cắt giảm biên chế em ạ”. Trời nắng oi ả, có lẽ đây là mùa hè nóng nhất mà tôi trải qua. Sự lãng mạn đã không còn để tôi dừng lại ngước lên nhìn những chùm phượng vĩ đỏ rực và những khoảng bằng lăng tím ngắt. Tôi lê bước trên vỉa hè và nghĩ về những ngày u ám phía trước. Chẳng rõ bằng cách nào mà tôi cũng về được con ngõ sâu hun hút dẫn vào phòng trọ. “Có người từ lâu nhớ thương biển…”. Giai điệu quen thuộc lại vang lên. Mệt mỏi, tôi đứng tựa vào bức tường cao tránh nắng. Chưa bao giờ tôi đến biển. Ngày còn là sinh viên, tôi đã từng ao ước được đến biển một lần chỉ để đi bộ dọc bãi cát dài, nhìn những con sóng bạc đầu xô nhau. Nhưng cũng chỉ là ao ước thế thôi chứ chưa đủ khát khao, dằn vặt như lời bài hát kia. Hẳn người chủ ngôi nhà màu xanh phải có nhiều ký ức về biển. Sự tò mò khiến tôi ngước nhìn lên. Trên ban công, thấp thoáng sau tán cây, khuôn mặt một phụ nữ đang nhìn xa xăm, hẳn đang thả hồn vào những ca từ. Người phụ nữ rất đẹp. Tôi chợt bị cuốn vào khung cảnh ấy mà quên đi cái nắng hè oi ả của buổi trưa. Có lẽ chị ấy đang cô đơn. Ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu tôi thì người phụ nữ nhìn xuống, bắt gặp tôi đang nhìn lên, chị như sực tỉnh khỏi cơn mê, khuôn mặt đài các thoáng cười mỉm. Tôi nhoẻn cười đáp lại rồi đi về cuối ngõ.
Nga chuyển đến phòng tôi vào một buổi chiều. Nó đọc được tờ giấy tìm người ở ghép tôi dán ngoài đầu ngõ. Khuôn mặt rám nắng và mái tóc vàng hoe, Nga bảo: “Ở miền biển ai cũng như em”. Tôi nhìn nó và nghĩ về ước mơ đến biển của mình, cả người phụ nữ hay nghe “Biển cạn” nữa, rồi buột miệng hỏi:
- Biển có gì vui?
Nga cười, hàm răng trắng đều khác hẳn làn da đen, vẻ rụt rè không còn:
- Biển quê em có những tiếng sóng, có bãi cát dài, có cá tôm, có những ruộng muối.
- Chỉ thế thôi à?
- Biển còn xanh nữa. Một màu xanh thăm thẳm, bí ẩn vô cùng.
Đôi mắt Nga thoáng mơ hồ, xa xăm. Chắc nó đang nhớ về biển. Hẳn là biển đẹp hơn những gì nó nói.
- Khi nào có dịp cho mình về quê Nga thăm biển nhé.
- Chị nói thật không? Về biển em sẽ dẫn chị đi bắt con hàu về nấu canh, mẹ em nấu món đó ngon lắm.
Có lẽ biển đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn giữa thành phố xô bồ và xa lạ này ngay từ lần đầu gặp. Tôi tạm quên đi những lo toan công việc bộn bề, quên đi những ngày hè rát bỏng và nghĩ về biển.
“Tìm gia sư, liên hệ 0904… ”. Tờ giấy dán trước cổng ngôi nhà màu xanh đập vào mắt tôi trong một buổi tối muộn trở về từ chỗ làm thêm. Tôi chợt nhớ, dạo này qua đây tôi không còn nghe thấy những giai điệu quen thuộc. Dưới ánh đèn cao áp, ngôi nhà màu xanh trở nên bí ẩn, khung cửa sổ cánh khép cánh mở, qua bức mành sáo hắt ra thứ ánh sáng mờ mờ. Tôi dựa lưng vào tường nhìn mãi lên khoảng sáng ấy. Bóng người phụ nữ xinh đẹp kéo bức mành rồi tựa tay nhìn ra khu vườn, ánh sáng mờ làm khuôn mặt chị đẹp huyền ảo. Người đàn ông xuất hiện ôm choàng dáng chị từ phía sau khiến tôi tự đỏ mặt và quay đi. Tôi nghĩ thầm, họ là một đôi hạnh phúc.
Hai đứa trẻ đang giành nhau chơi game trước màn hình máy vi tính. Sau cùng chúng thỏa thuận lần lượt mỗi đứa chơi một ván, khi nào đứa này thua thì dừng lại cho đứa kia chơi. Người phụ nữ đứng nhìn hai đứa trẻ rồi quay lại nhìn tôi, đôi mắt chị đăm đắm, hai hàng mi che rợp đôi mắt buồn.
- Chúng nghịch lắm, đứa anh lớp 5, đứa em lớp 3. Em giúp chị nhé, tiền nong chị sẽ trả sòng phẳng, em không phải lo.
Tôi nhìn hai đứa trẻ, dường như chúng không biết đến sự có mặt của người lạ trong nhà. Lướt qua bảng điểm của chúng tôi không khỏi thở dài. Định từ chối, nhưng rồi nghĩ thế nào tôi lại nói:
- Em sẽ dạy thử một tuần xem thế nào.
Người phụ nữ nói nhanh:
- Vậy tốt quá, mong em giúp chị với, chị bận tối ngày không có thời gian bảo ban, kèm cặp chúng. Chồng chị thì đi biền biệt, cả năm mới về một lần. Chị lo cứ đà này chúng sinh hư.
Tôi nhìn quanh căn phòng. Bức ảnh chụp nghiêng người lính hải quân da ngăm đen đang bồng súng nhìn ra phía biển. Đôi mắt sáng ẩn dưới hàng lông mày rậm như đang nhìn không mỏi vào những con sóng đang nối nhau xô vào bờ. Xung quanh là những bằng khen, giấy khen. Thì ra chồng chị là bộ đội hải quân. Hình ảnh người đàn ông ôm chị từ phía sau mà đêm hôm trước tôi nhìn thấy chợt thoáng qua. Có lẽ đó là hôm anh được về phép. Ca khúc “Biển cạn” mà chị hay nghe hẳn là vì nhớ thương chồng. Tôi lại miên man nghĩ về biển. Biển xa xôi và rộng lớn nhưng biển vẫn luôn có trong ý nghĩ của mỗi người, ngay cả người chưa bao giờ đến biển như tôi.
Sau bản tin dự báo thời tiết phát ra rè rè từ chiếc điện thoại đã cũ, Nga ngồi suy tư. Tôi giục nó dọn cơm chiều ăn cho kịp để tôi đi dạy thêm mà đến lần thứ ba nó mới nghe thấy. Đang ăn nó buông một câu, chẳng rõ cho tôi nghe hay cho chính nó:
- Mùa này biển hay có bão.
Tôi bảo:
- Mùa hè ở thành phố cũng có bão chứ riêng gì ở biển.
Nó đặt bát cơm xuống nhìn tôi buồn rầu:
- Chị không biết bão ở biển dữ dội như thế nào đâu. Khi vào đến đất liền là đã suy yếu đi nhiều rồi. Ở quê em mùa này năm nào cũng có tàu thuyền bị bão đánh chìm.
- Vậy thì mùa này đừng ra khơi nữa thì sẽ không gặp bão.
- Người dân biển mà không ra khơi thì sống thế nào? Từ xưa người ở biển sống nhờ biển và chết cũng vì biển.
Tôi không biết nói gì trước vẻ âu lo của Nga. Có lẽ cuộc sống còn nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận mà tôi chưa biết đến. Có khi cứ tưởng mình là khổ nhưng còn biết bao nhiêu người kiếm sống, mưu sinh vất vả, cơ cực hơn mà mình chưa biết đến.
Tôi vừa đến căn nhà màu xanh thì trời nổi giông. Hai đứa trẻ vẫn đang tranh thủ chơi game trong lúc chờ tôi đến. Phải gọi mấy lần chúng mới chịu rời máy vi tính và ngồi vào bàn học. Mưa ào ào xối xả, ngoài vườn có tiếng cành cây gãy. Thằng anh chợt dừng làm toán ngửng lên hỏi tôi:
- Cô ơi, mưa to thế này thuyền có chìm được không?
Bị bất ngờ vì câu hỏi của nó, tôi bối rối:
- Sao cháu lại hỏi thế?
- Vì đêm nào bố cháu cũng phải đi thuyền trên biển.
Đứa em cũng ngừng viết chính tả nói xen vào:
- Bố cháu bảo mưa trên biển to hơn cả mưa ở thành phố.
Tôi trấn an chúng:
- Bố tài giỏi như thế thì mưa có là gì đâu.
- Nhưng mẹ cháu bảo bố cháu là người kém cỏi nên mới để một mình mẹ cháu vò võ nuôi con mà đi mãi không về.
Tôi giật mình vì câu nói thơ ngây của bọn trẻ. Chúng được tiếp xúc với những trò chơi hiện đại, được sống một cuộc sống đủ đầy về vật chất, nhưng suy cho cùng thì chúng vẫn là trẻ con, và vẫn bị ảnh hưởng bởi những lời nói của người lớn. Tôi không biết phải nói sao với chúng, đành hỏi:
- Thế lâu rồi bố không về à?
Thằng anh nhanh nhảu:
- Bố cháu về được hơn một năm rồi.
Hình ảnh người đàn ông bên cửa sổ đêm nào làm xáo trộn mọi ý nghĩ trong tôi. Tôi chợt nhận ra, đã lâu rồi tôi không còn được nghe “Có người từ lâu nhớ thương biển…”. Và từ ngày tôi đến làm gia sư, chị đều không có nhà vào buổi tối. Bức ảnh chụp nghiêng người lính hải quân đang đứng gác, đôi mắt nhìn những con sóng xa xăm khiến tôi chợt nhói lòng. Từ đó, sau khi dạy học xong tôi thường kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện về biển mà Nga đã kể cho tôi nghe. Cũng có khi hứng thú, tôi kể về biển trong tưởng tượng của mình. Tôi tô vẽ lên một hình ảnh lung linh về biển và những người lính hải quân ngày đêm canh giữ nơi đầu sóng. Sau mỗi lần như thế tôi lại thấy biển gần gũi hơn, quen thuộc hơn. Dẫu tôi cũng chưa một lần đến biển. Tôi cũng không biết từ bao giờ mình đã quan tâm hơn đến bản tin dự báo thời tiết trên biển cùng Nga. Những tin bão xa, tin bão gần đều khiến chúng tôi lo lắng. Bọn trẻ đã bớt đi thời gian chơi game, bảng điểm nhích dần lên từng ngày. Chúng bắt đầu viết thư cho bố và nhờ tôi đem ra bưu điện gửi giùm. Tôi nghĩ mãi không biết mình làm thế đúng hay sai. Tôi băn khoăn không biết liệu mình có xen quá sâu vào gia đình họ bằng những câu chuyện làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của bọn trẻ. Nhưng rồi tôi cũng gửi thư đi. Cả tháng tôi mới gặp người phụ nữ một lần vào ngày nhận lương. Chị hài lòng nhìn bảng điểm của bọn trẻ. Số tiền chị trả tôi cũng vì thế mà luôn nhiều thêm.
Tôi nhận được thư anh cũng vào một đêm mưa gió. Là chị đưa cho tôi. Lá thư vẫn được dán kỹ. Tôi hơi ngỡ ngàng vì điều đó. Còn chị thì cười, nụ cười nhẹ tênh nhưng sao tôi thấy có điều gì nuối tiếc, xót xa:
- Anh chị ly hôn rồi. Chị đã tìm được người mới. Chị sợ sự cô đơn. Có lẽ em cho rằng chị bạc tình nhưng là phụ nữ, chị cần có một bờ vai luôn bên cạnh để dựa vào khi mệt mỏi, khổ đau…
Chị nói thật nhiều nhưng tôi không nhớ hết và cũng không hiểu hết. Vì tôi chưa từng trải qua tình yêu và hôn nhân, thế nên có nói gì với chị lúc này cũng là vô nghĩa. Tôi chỉ nghĩ về hai đứa trẻ. Bức ảnh người lính hải quân lại khiến tôi nhói lòng.
Thư anh cảm ơn tôi vì những câu chuyện về biển tôi đã kể cho các con anh nghe. Chúng đã viết thư để hỏi anh về những điều tôi kể. Để những khi một mình giữa trùng khơi anh vẫn thấy đất liền và gia đình thật gần gũi. Dù có những câu chuyện của tôi chỉ có trong tưởng tượng nhưng giúp cho bọn trẻ có những ước mơ, hoài bão đẹp đẽ hơn, và giúp cho anh có niềm tin hơn. “Khi cơn bão biển qua đi thì biển vẫn xanh, một màu xanh của hòa bình, của sự sống, của ước mơ và niềm hy vọng…”. Lá thư của người lính biển chất chứa nhiều suy tư, trăn trở nhưng tôi vẫn thấy lấp lánh ẩn hiện những niềm tin yêu như những con sóng bạc đầu ngày đêm xô bờ không mỏi. Bất giác tôi khe khẽ hát “Có người từ lâu nhớ thương biển…”. Tôi cảm giác đó chính là những lời của mình. Phải rồi, với bao người chẳng phải biển vẫn là biểu tượng cho tình yêu thương bao la, rộng lớn. Dù đâu phải ai cũng được đến với biển và hiểu biển. Như Nga vẫn nói, biển xanh một màu xanh bí ẩn.
Ngày tôi đến, biển rất bình yên. Sáng sớm, khi mặt trời chưa lên khỏi mặt biển, từng đoàn thuyền đánh cá đã dong buồm ra khơi. Tôi nhìn mỏi mắt về phía những con sóng ngoài xa. Hẳn có những con sóng từ nơi người lính biển đứng gác xô về bãi cát nơi tôi đang đứng, mơn man dưới bàn chân tôi hay đang vỗ về, thầm thì những lời gì đó. Hai đứa trẻ và Nga đang đùa giỡn với những con còng gió trên cát. Nghịch chán chúng lại thi nhau đưa tay lên miệng, đôi mắt ngóng ra biển rồi thi nhau gọi “Bố ơi!”. Giọng chúng lẫn vào tiếng sóng xôn xao, ầm ào. Chúng hy vọng những con sóng sẽ lại đưa giọng nói tiếng cười ra ngoài khơi xa để bố nhận được. Còn tôi, tôi nhớ lại lời anh trong thư. Biển vẫn xanh dù có trải qua bão tố. Và lúc này đây tôi biết, biển xanh một màu nhớ thương.
Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG