Mỗi khi đất nước xảy ra biến cố liên quan đến chủ quyền thì càng thấy rõ lòng người, tình người dân tộc, tất cả đều hừng hực tinh thần yêu nước và ý chí "Sát Thát".
|
Đầu tháng 4-2014, lễ thượng cờ cấp quốc gia trên các tàu ngầm Ki-lô HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Giờ đây với trang thiết bị hiện đại, lực lượng Hải quân Việt Nam càng thêm quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: TTXVN
|
Tháng năm này lại về với biển, như bao tháng năm “Bờ biển ta chạy dài, chạy suốt/Từ chấm đầu Móng Cái đến Hà Tiên” (thơ Hoàng Trung Thông). Nhưng khác biển tháng năm qua, biển tháng năm này cồn cào sóng vỗ, gầm vang thét gào. Và sóng không chỉ vỗ, biển không chỉ gầm ở ngoài khơi xa, mà còn ngay trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước từ khi nghe tin dữ: Trung Quốc hung hăng, ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta, chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý.
Bởi mỗi người Việt Nam ta có ai không nhận ra “Hạt muối ta ăn cũng ngời sắc biển”, thế nên: “Có một điều là biển vẫn kề bên/Dù trên núi cao, dù trong rừng thẳm/Vẫn có biển ở trong máu mặn” (thơ Thi Hoàng). Đúng thế. Tổ quốc Việt Nam yêu dấu đứng sừng sững bên đại dương mênh mông sóng vỗ, có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Cam Ranh, Vũng Tàu... nổi tiếng; đặc biệt là vịnh Hạ Long vừa được chọn vào tốp bốn vịnh biển đẹp nhất thế giới. Còn ở ngoài biển xa, hệ thống đảo, quần đảo với hàng nghìn hòn đảo tạo thành một vòng cung đảo lớn, đảo nhỏ, những quần đảo hàng nghìn năm gắn bó với bao thế hệ người Việt Nam ta như Hoàng Sa, Trường Sa đã tạo nên vẻ đẹp kỳ thú non xanh nước biếc, mà không phải biển ở nơi nào trên thế giới này cũng có được. Cảnh sắc thiên nhiên ấy của biển đảo nước ta không chỉ tạo nên vẻ đẹp, mà còn tạo nên những hải cảng tấp nập tàu thuyền giao thương năm châu bốn biển, và những khu tắm biển, nghỉ mát thu hút mỗi năm hàng triệu du khách. Không những thế, biển còn chứa trong lòng những kho tài nguyên phong phú, đa dạng và có ưu thế riêng, góp phần nuôi sống con người và mang lại sự phồn vinh cho đất nước, mà đáng kể là các loài hải sản, đặc sản biển, và cả vật tư, khoáng sản, năng lượng... Có thể nói, biển là tài nguyên vô giá, là nguồn sống của hàng triệu triệu người Việt Nam qua bao thế hệ. Hẳn không ai không biết câu chuyện vợ chồng Mai An Tiêm trải bao năm tháng vật lộn với thiên tai, bão tố giữa biển cả trùng khơi, cuối cùng đã đem về nguồn vui và sự ấm no cho cả triều đình cùng bàn dân thiên hạ.
Thế nên, hầu như không làng quê nào ven biển ở Việt Nam ta người dân lại không có ý thức về chủ quyền biển, khai thác biển để bảo vệ và nuôi sống mình. Từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối, nghề đi biển, đi sông đánh bắt cá tôm đã thành nghề truyền thống trong nhiều gia đình, nhiều làng quê Việt Nam. Và nhiều làng quê đã trở thành “làng chài” có “thương hiệu”, như làng chài Trà Cổ, Vân Đồn, Cô Tô, Tuần Châu, Phù Long, Bến Gót ngoài Bắc, hay Hòn Khoai, Thổ Chu, Phú Quốc trong Nam. Và cũng từ bao đời, người Việt Nam ta không chỉ biết khai thác biển, mà còn luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ biển đảo. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776, Lê Quý Đôn đã viết về sự canh phòng của thời Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa: “Nhà Nguyễn lập ra Đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi (nay là huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng ba nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực để ăn. Đội dùng năm chiếc thuyền câu nhỏ chở đi ra biển suốt ba ngày ba đêm liền thì mới bắt đầu đến được đảo này”.
|
Trong những ngày qua, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa. Trong ảnh: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quyên góp được 150 triệu đồng ủng hộ chương trình "Chung tay vì biển, đảo quê hương" |
"Vì nước Nam ta có chính nghĩa, có công lý, có sức mạnh đoàn kết triệu người như một, nên: “Ta đã đánh cho muôn đời biết rõ rằng nước Nam anh hùng là có chủ, không phải hễ ai muốn vào cứ vào, ai muốn ra cứ ra”, như sinh thời Quang Trung Nguyễn Huệ đã khẳng định". |
|
Không chỉ canh giữ, mà mỗi khi biển nổi phong ba thì người Việt Nam ta liền ưỡn ngực thi gan cùng bão tố, vững tay chèo lái vượt phong ba, chứ không khi nào chịu buông tay. Lịch sử còn ghi từ thời Lý-Trần, ông cha ta đã rất coi trọng biển, để nhiều tâm sức nghiên cứu biển từ bãi bờ, con lạch. Những ai yêu sử nước nhà hẳn còn nhớ, Đức vương Ngô Quyền đã đi đến tận vùng Quảng Yên, ra bến sông hỏi bà già bán hàng nước ngày giờ thủy triều lên, xuống để từ đó lựa cách bày binh bố trận lừa thủy quân Nam Hán vào bãi cọc Bạch Đằng năm 938, mãi mãi là một huyền thoại hấp dẫn bao thế hệ người Việt Nam ta. Nếu trận thắng trên Bạch Đằng giang năm 938 là trận mở đầu, thì sau đó, ông cha ta còn liên tiếp đánh thắng giặc trên sông biển với những chiến công hiển hách, mà nổi bật là thời nhà Trần liên tiếp ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, để lại lời ca muôn đời cháu con ghi nhớ “Đằng Giang tự cổ huyết gio hồng”. Còn nói như sử thần Trương Hán Siêu thì: "Đến nay nước sông vẫn chảy hoài, mà nhục quân thù không rửa hết"! Rửa sao hết nỗi nhục của kẻ xâm lăng luôn nuôi tham vọng bá quyền nước lớn đè nước bé, nhưng lại quên một điều rất đơn giản rằng, tuy bé nhưng là bé hạt tiêu! Vì nước Nam ta có chính nghĩa, có công lý, có sức mạnh đoàn kết triệu người như một, nên: “Ta đã đánh cho muôn đời biết rõ rằng nước Nam anh hùng là có chủ, không phải hễ ai muốn vào cứ vào, ai muốn ra cứ ra”, như sinh thời Quang Trung Nguyễn Huệ đã khẳng định. Thế nên, sử sách còn ghi, chưa có triều đại nào của nhà nước Trung Hoa phong kiến không mang binh hùng tướng mạnh xâm lấn nước ta, và cũng chưa có cuộc xâm lấn nào của họ không bị dân Nam ta đánh cho thua tan tác, tướng quân quỳ gối quy hàng. Muốn biết xin hãy đọc “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi nói về đám quan quân bại trận phương Bắc: “Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía/Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân/Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm/Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội/Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng/Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước”. Có được cái thế “đứng trên đầu thù” ấy là bởi, như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã khẳng định: “Vua tôi đồng lòng, cả nước ra sức”. Mà một khi vua tôi đã đồng lòng, cả nước cùng ra sức thì đấy là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, mà một khi sức mạnh ấy được chuyển hóa thành sức mạnh vật chất thì không có gì ngăn cản nổi, dù đó là “biển người” hay phương tiện khoa học, kỹ thuật tối tân đến mấy chăng nữa, cũng không thể cân đong đo đếm và tiên liệu một cách chính xác sức mạnh tổng hợp của đại đoàn kết toàn dân tộc ta, vốn có truyền thống kiên cường, bất khuất muôn người như một, trên dưới một lòng “Sát Thát”.
Thế nên, tháng năm này, trước hành động hung hăng của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, trắng trợn vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm dấy lên cơn phong ba gầm vang thét gào không chỉ trên Biển Đông, mà ngay trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Chúng ta kiên quyết phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Và không chỉ với mỗi người Việt Nam, mà dư luận yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới cũng cực lực đòi Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và thỏa thuận đạt được giữa những nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. Và cũng không chỉ dư luận quốc tế, mà ngay tại Trung Quốc, những người yêu chuộng hòa bình, công lý cũng lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của nhà cầm quyền nước họ. Nói có sách, xin dẫn lời học giả Lý Lệnh Hoa trên mạng Sina rằng: “Trung Quốc là một trong những nước ký Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, thì nên tuân theo điều 74 và 83 của Công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh”. Thật hai năm rõ mười, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động của kẻ cướp, giữa ban ngày ban mặt ngang nhiên đưa hàng trăm tàu lớn nhỏ vào vùng biển của nước láng giềng, mà còn vu cho Việt Nam “vi phạm” thì đúng là “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Nhưng biển Đông đâu có phải “ao nhà” của họ. Thế nên, bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc động tới chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông cũng tức là động tới dây thần kinh mẫn cảm nhất của mọi người Việt Nam ta, động tới niềm tự hào dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Viết đến đây, lại nhớ câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống cách chúng ta gần 500 năm: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Chí những phù nguy xin gắng sức/Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”. Chỉ có như thế, dù Biển Đông có xa vạn dặm cũng dang tay giữ, bởi đó là cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình, chúng ta phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của ông cha để lại. Dân tộc ta có truyền thống quý báu là mỗi khi đất nước xảy ra biến cố liên quan đến chủ quyền quốc gia thì càng thấy rõ lòng người, tình người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em không phân biệt gái trai, miền xuôi miền ngược đều hừng hực tinh thần yêu nước và ý chí “Sát Thát”. Hơn lúc nào hết, những ngày tháng năm Biển Đông dậy sóng này, lời dạy của Bác Hồ vĩ đại “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” càng thôi thúc mỗi người Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, làm việc và làm việc hết sức mình, thiết thực và hiệu quả, vì biển đảo thiêng liêng, và dù thế chứ nữa, cũng trên dưới đồng lòng theo lời Cụ Trạng cách đây gần 500 năm đã dạy: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
Tùy bút của CAO NĂM