Tích cực áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây bưởi, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, khi dùng phải bảo đảm 4 đúng: đúng thuốc, đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng...
Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng cây bưởi không ra quả xảy ra ở nhiều nơi, đối với nhiều giống bưởi ở miền Bắc...
Các giải pháp khắc phục tình trạng bưởi không ra quả
Cần áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, trong đó đặc biệt coi trọng khâu chăm sóc, đồng thời áp dụng kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu mới đây trên cây bưởi.
- Một trong những yếu điểm của người trồng bưởi trong nhiều năm qua là mật độ trồng quá dày, nhiều cành tăm, cành vượt, cành vô hiệu không thể có quả. Nên có kế hoạch cắt tỉa các cành này tạo sự thông thoáng cho cây trên nguyên tắc các cây không được giao cành vào nhau. Nếu vườn dày quá có thể loại bỏ những cây không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, các cây còi cọc, mắc bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn, giảm sâu bệnh. Đây là biện pháp hết sức quan trọng để tạo cho cây bưởi khoẻ, có môi trường tốt để sinh trưởng phát triển, tích luỹ dinh dưỡng cho kỳ ra hoa đậu quả năm sau.
Cây bưởi dễ nhiễm các loại sâu bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, xì mủ chảy gôm, loét... Nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực, chán nản do không có thu hoạch, thì cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây bưởi trong năm tới. Tích cực áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây bưởi, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, khi dùng phải bảo đảm 4 đúng: đúng thuốc, đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng, vừa đạt hiệu quả cao trong phòng trừ và giảm chi phí đầu tư. Việc bón phân cho cây cũng nên chú ý, nên bón vừa phải, cân đối, chú ý tăng lượng kali, lân.
-Áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung cho vườn bưởi.
Một là, áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung thủ công đã được Viện Rau quả Trung ương phổ biến, dùng phấn hoa bưởi chua hoặc bưởi khác giống, thụ phấn bằng tay cho vườn bưởi.
Hai là, trong vườn bưởi đang trồng, trên một số cây bưởi trong vườn, cắt bỏ 1-2 cành vượt, để nảy mầm phát triển đến bánh tẻ, sau đó tiến hành ghép mắt các giống bưởi khác giống (bưởi ngọt hoặc chua). Sau một năm, cành này đã ra hoa, là nguồn thụ phấn bổ sung cho cây đó và các cây xung quanh.
Ba là, có thể loại bỏ một số cây kém hiệu quả, sau đó ghép cải tạo giống bưởi khác giống điểm vào trong vườn. Các cây ghép cải tạo này sau một năm cũng ra hoa, dùng để làm cây thụ phấn cho các cây bưởi xung quanh.
Ngoài ra, một kinh nghiệm đã được kiểm chứng là trồng xen vào vườn bưởi những cây ổi, có tác dụng hạn chế được bệnh greening (bệnh vàng lá gân xanh), ngoài hàng rào nên trồng thêm các cây chắn gió.
Kim Thanh (tổng hợp)