Những ngày qua nhiệt độ có ngày đã lên tới gần 40 C. Điều này dễ làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Để chống nóng cho đàn gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y Hải Dương khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp như sau:
1. Về chuồng trại
Chuồng nuôi: Nên đặt quạt thông gió, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc.Không nên treo quạt trên trần nhà từ mái chuồng xuống dưới gia súc, hiệu quả chống nóng thấp.
Với các trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo kiểu chuồng kín thường xuyên phải kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, chủ động nguồn điện để duy trì hệ thống làm mát trong chuồng. Với các địa phương có chăn nuôi gà thả vườn với số lượng lớn cần tạo các mái che để gia cầm có bóng mát.
2. Về thức ăn, nước uống
Đối với trâu, bò bảo đảm cho ăn đủ cỏ xanh và bổ sung thêm thức ăn tinh (1 - 3kg/con/ngày). Đối với bò sữa bổ sung thức ăn xanh, cỏ ủ chua (3 - 5kg/con/ngày) rất tốt. Có thể bổ sung ure cho bò sữa nhằm mục đích bổ sung chất đạm vô cơ.
Với lợn và gia cầm bảo đảm lượng thức ăn tinh trong đó bổ sung các loại khoáng, vitamin, điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Những ngày nắng nóng kéo dài, cần thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày. Thường xuyên bảo đảm đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng.
Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, cần giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh để tránh nuôi quá béo. Những ngày nắng nóng cho uống Bcomlex, chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ (10-15g muối/lít nước) để tăng sức đề kháng cho gia cầm. Chủ động phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vaccine theo hướng dẫn của cơ quan thú y để tăng khả năng miễn dịch cho đàn gia cầm.
3. Giảm mật độ nuôi
Mật độ chuồng nuôilợn nái có chửa cần 3- 4m2/con, lợn thịt 2m2/con,gà con úm 50-60 con/m2, gà thịt 10-15 con/m2.
4. Chế độ tắm, chải, vận động
Đối với trâu bò nên chăn thả từ 6 - 9 giờ, buổi chiều từ 16 - 18 giờ, những ngày có nhiệt độ cao có thể chăn thả sớm hơn về buổi sáng và muộn hơn về buổi chiều.
Hạn chế đến mức tối đa việc vận chuyển, xuất, nhập gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng. Nếu có, cần chuyển vào đêm, sáng sớm hoặc chiều mát, phương tiện vận chuyển bảo đảm, mật độ thấp.
5. Vệ sinh phòng bệnh
Thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Nền chuồng phải sạch, khô ráo, cống rãnh phải sạch, không đọng phân, nước. Định kỳ phun thuốc sát trùng để tiêu diệt côntrùng, đây là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. Tiêm phòng các loại vaccine theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đối với lợn ngoài tiêm phòng đầy đủvaccine4 bệnh đỏ, cần tiêm vaccinetai xanh, lở mồm, long móng… Với gia cầm tiêm các loại vaccine như cúm gia cầm Newcatste, Gum, tụ huyết trùng…
Khi phát hiện sớm gia súc, gia cầm có triệu chứng bất thường, cần phải cách ly và báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để được thăm khám và điều trị, xử lý kịp thời tránh bệnh bùng phát,lây lan ra diện rộng.
NGUYỄN MINH ĐỨC
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương