Biển là nửa cuộc đời ta...

26/06/2011 08:57



Đây chỉ là đoạn thơ văn xuôi trong trường ca mang nhan đề Đất nước của nhà thơ Huy Cận. Đoạn thơ đầy xúc cảm trước biển bao la, trước trời (vũ trụ) và đất (Tổ quốc): Ta đi trên biên giới của cái biến đổi và cái định hình... Nó gắn bó với mỗi con người: Cảm giác biển và cảm giác đất hòa lẫn trong nhịp thở, trong máu của ta...

Với cảm quan văn chương, đi trên bờ biển hôm nay, nhà thơ đo lại bề dài của đất nước, của lịch sử... Đất nước ta, chân mát rượi cả thềm lục địa. Một tứ thơ đầy phát hiện: chủ quyền của ta còn rộng dài ngay trước mắt, một niềm tự hào vô cùng chính đáng:
mắt ta uống gió xa khơi, đọng màu xanh biếc của nghìn trùng biển cả.

Đọc câu thơ trên, lại nhớ đến thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong bài Tổ quốc ở biên giới, anh viết: Tổ quốc tôi/ trái tim Hà Nội/ dồn máu nuôi biển xanh ngoài hai trăm hải lý/ dồn  máu nuôi những hòn đảo xa xôi. Ngoài sự khẳng định về địa lý, Huy Cận còn đi ngược về chiều sâu lịch sử: Thuở ban đầu đất nước, mẹ Âu Cơ lên rừng mở cõi, cha Lạc Long tìm về biển lớn. Và:
Biển là nửa cuộc đời ta từ thuở ấy

Rất lãng mạn,  mà cũng rất chân xác: Vận mệnh ta cũng từ ấy gắn liền với biển, với ruộng, với rừng, với bờ, với cõi. Giữ lấy Tổ quốc, giang sơn là giữ lấy cõi, bờ,  giữ lấy dấu chân của mẹ, của cha đã bám trụ đất này giữa trăm nghìn bão táp. Lại nhớ đến Hữu Thỉnh trong trường ca Biển, anh cũng từng đau đáu những tâm can như Huy Cận: "Biển nói bằng muối chát", "Phù sa còn bao nỗi nông sâu", "Sinh ra biển để thử sức". Hữu Thỉnh viết:

Ta lặn xuống tầng sâu
Đời vẫn còn chảy xiết

Đoạn thơ của Huy Cận khép lại bằng hình tượng mang tầm vóc của dân tộc Việt Nam:
Sự sống vốn hào hùng, lịch sử vốn hào hùng vỗ dạt dào vào bờ đất Việt. Ngã ba đường nhân loại, đất này vốn là đất của tình bè bạn, đất giao duyên của những chính khí vững bền.

Đọc đoạn thơ trên, ta liên hệ đến các sự cố trên biển Đông diễn ra gần đây mà dư luận trong nước và quốc tế đang hết sức quan tâm. Sức mạnh Việt Nam, chính nghĩa Việt Nam nhất định chiến thắng mọi mưu toan xâm phạm vùng biển của ta, ngăn cản các tàu thuyền của ta hoạt động hợp pháp trên thềm lục địa của ta. Chúng ta chỉ mong muốn, như nhà thơ viết, "đất này vốn là đất của tình bè bạn, đất giao duyên" chứ đâu muốn tranh chấp, hận thù?


VƯƠNG BẠCH


HUY CẬN

Đất nước(Trường ca)
(Phần V Chương I)

Mỗi lần đi dọc bờ biển, ta lại có một xao động kỳ lạ trong người, nửa thấy đời đang tiếp tục nảy sinh, dạt dào vô tận, nửa lại thấy như sự sống đã cổ, đã vững chãi, yên đằm. Ta đi trên biên giới của cái biến đổi và cái định hình. Cảm giác vũ trụ, cảm giác về sự sống, về sự lạc quan cố hữu của thế giới, của vật chất, của đất trời. Cảm giác về sự lớn lao lồng lộng của con người trong vũ trụ sinh hóa vô hạn, vô hồi đó. Cảm giác biển và cảm giác đất hòa lẫn trong nhịp thở, trong máu của ta.

Đi trên bờ biển hôm nay, ta đo lại bề dài của đất nước, của lịch sử kết tủa đậm nồng như muối trong suốt nghìn đời. Ta bước trên bờ mà chân mát rượi cả thềm lục địa: mắt ta uống gió xa khơi, đọng màu xanh biếc của nghìn trùng biển cả. Thuở ban đầu đất nước, mẹ Âu Cơ lên rừng mở cõi, cha Lạc Long tìm về biển lớn. Biển là nửa cuộc đời ta từ thuở ấy. Vận mệnh ta cũng từ ấy gắn liền với biển, với ruộng, với rừng, với bờ, với cõi. Giữ lấy Tổ quốc, giang sơn là giữ lấy cõi, bờ, giữ lấy dấu chân của mẹ, của cha đã bám trụ đất này giữa trăm nghìn bão táp.

Đi dọc bờ biển, ngực thở đại dương, chân bước nhịp triều. Sự sống vốn hào hùng, lịch sử vốn hào hùng vỗ dạt dào vào bờ đất Việt. Ngã ba đường nhân loại, đất này vốn là đất của tình bè bạn, đất giao duyên củanhững chính khí vững bền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển là nửa cuộc đời ta...