Tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (Trần Mai Hạnh) là một tác phẩm đặc biệt với một số phận đặc biệt.
Tác giả Trần Mai Hạnh (thứ 2 từ trái sang) trong buổi ra mắt phiên bản đặc biệt của tiểu thuyết tư liệu
lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Trong buổi giao lưu với độc giả tại Hà Nội sáng 28-5 nhân dịp ra mắt phiên bản đặc biệt của tác phẩm này, tác giả Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Để có được cuốn sách này là nhờ cơ may của lịch sử và cơ duyên của cuộc sống.”
“Cơ may của lịch sử” bởi tác giả được trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập.
“Cơ duyên của cuộc sống” bởi “tôi được rất nhiều người giúp đỡ để hoàn thành cuốn sách này. Nó được ‘thai nghén’ từ mùa Xuân 1975. Khi đó, tôi mới 32 tuổi nhưng đã nung nấu ý tưởng về việc phục dựng lại lịch sử,” tác giả Trần Mai Hạnh bày tỏ.
Cuốn sách này sẽ đưa tới cho người đọc cảm giác “ngộp thở” bởi khối lượng tư liệu đồ sộ chứa trong đó; nhưng nó cũng cuốn hút độc giả như một cuốn tiểu thuyết chương hồi bởi những lớp lang, gợi mở. Ở đó, ranh giới của văn học và lịch sử như đã bị xóa nhòa.
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” viết về những ngày cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long (1-1975) của quân giải phóng tới những giờ phút lịch sử trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập.
Ở bối cảnh định mệnh của lịch sử đó, chân dung của người đứng đầu chính quyền và hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn được khắc họa sống động bằng những đường nét sắc gọn, đắt giá.
Diễn biến của cuộc chiến hiện lên qua từng trang sách như một trường thiên phóng sự. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc là một đề tài không mới, đã được nhiều cây bút lớn tập trung khai thác.
Song, với độ lùi thời gian, tác giả Trần Mai Hạnh đã lựa chọn điểm nhìn từ “phía bên kia” bằng một giọng văn điềm tĩnh, khách quan, “được nghiền ngẫm” và “rất có chiều sâu” như nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) từng nhận xét.
Nói khác đi, đây là bức phác thảo toàn cục và chi tiết về toàn bộ quá trình hoang mang, tan rã và sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh với những nguồn tư liệu đồ sộ và quý giá. Phần nhiều trong đó có giá trị nguyên bản mà tác giả có cơ duyên tiếp cận được trong thời gian làm phóng viên chiến trường cùng những tài liệu từ “phía bên kia” mà ông được tiếp xúc.
Không xoáy vào khái niệm thắng-thua, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là câu chuyện về sự sụp đổ tất yếu của những điều phi nghĩa.
Tác giả Trần Mai Hạnh chia sẻ các thông tin về cuốn sách với độc giả. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
“Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian. Lịch sử và cuộc sống luôn là những dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai,” tác giả Trần Mai Hạnh bày tỏ.
Tác phẩm ra mắt độc giả lần đầu tiên vào năm 2014. Trong lần tái bản thứ ba này, cuốn sách được bổ sung thêm bảng tên người và 21 tài liệu nguyên bản có giá trị tham khảo được tác giả tiếp cận sau ngày 30-4-1975. Sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà phát hành.
Dự kiến, cuối năm 2016, bản dịch tiếng Anh “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” sẽ ra mắt bạn đọc.
Trước đó, tác phẩm đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và giải thưởng văn học ASEAN 2015.
Theo Vietnam+