Với các cô gái lấy được chồng là con một vừa là niềm hạnh phúc nhưng cũng là trách nhiệm và rất nhiều những khó khăn, rắc rối kèm theo.
Hà đã học hết lớp 12. Khi cô tính chuyện thi vào đại học thì gia đình bên nhà người yêu cấp tốc tính chuyện làm đám cưới để giữ con dâu ở lại. Hùng là con trai duy nhất trong một gia đình có 6 chị em gái. Càng gần ngày cưới, bà mẹ chồng tương lai cứ đay đi đay lại rằng Hùng lấy vợ không phải là lấy vợ cho mình mà lấy vợ cho mẹ, cho cả dòng họ.
Sau ngày cưới, buổi sáng, phần vì mệt, phần vì vẫn chưa bỏ được thói quen khi còn con gái ở nhà, cô đã nằm nướng đến hơn sáu giờ mới dậy. Bà mẹ chồng cùng các chị em gái ở bên ngoài loẹt quẹt quét sân, đuổi gà, cho lợn ăn, đánh rửa xoong nồi loảng xoảng. Khi thấy bóng dáng con dâu bước ra, các thành viên trong gia đình đều nhất loạt im lặng.
Về làm dâu được vài tháng, gia đình có đám giỗ, bà mẹ chồng nhắc Hà đi chợ mua đồ ăn với yêu cầu làm đủ cho 8 mâm cơm. Cô gái trẻ loay hoay ở giữa chợ, tính toán, cân đo thế nhưng khi về đến nhà, có những thực phẩm vẫn bị thừa nhiều quá, có thứ lại thiếu một cánh trầm trọng.
Các chị em, họ hàng ngồi làm cỗ đã hậm hực nhìn nhau, xì xào bình phẩm. Quá chiều, khách khứa về hết, mẹ chồng mặt sưng tấy ngồi ở giữa phản nhà chì chiết: “Chị làm tôi mất mặt quá, sao học đến hết cấp rồi mà giỏi tính toán thế?”.
Vốn cũng không được chu đáo lắm nên đôi khi Hà cũng quên việc quét sân, quên việc thu dọn quần áo nên cô cũng bị mắng là người không biết chu toàn, không đảm đang.
Khi Hà mang thai được hơn 1 tháng, cả nhà đã phấn khởi, thấp thỏm ngồi đếm từng ngày để giục cô đi lên bệnh viện trên tỉnh để siêu âm. Ngày rằm, ngày mồng một nào mẹ chồng cũng giục con dâu sắm sửa đồ lễ ra chùa để cầu xin cho đứa bé trong bụng là con trai để mong có đứa cháu đích tôn. Gặp ai bà mẹ chồng cũng khoe rằng sắp có cháu trai để bế ẵm. Thế nhưng đôi khi số phận cũng thật hay trêu ngươi, không thuận với lòng người.
Có thai được bốn tháng với hai lần đi siêu âm thì cuối cùng cũng có kết quả là Hà mang thai bé gái. Một không khí u ám, thất vọng bao trùm khắp căn nhà gỗ bốn gian.
Hùng tuy thương vợ nhưng những áp lực của cả gia đình cũng dần dần làm anh trở nên thay đổi. Cô gái trẻ chỉ biết ngậm ngùi khóc một mình.
Khi đứa bé ra đời được nửa năm thì họ dẫn nhau ra tòa ly hôn. Nguyên nhân về phía Hà là cô không thể nào chịu đựng được hơn nữa, còn về phía gia đình nhà chồng thì cho là cô đã không biết làm tròn trọng trách một người con dâu duy nhất của dòng họ.
Quân cũng là con trai út của gia đình có hai chị gái. Anh được gọi là quý tử trong nhà vì sự độc tôn của mình. Ngay từ khi còn bé cho đến tận bây giờ đã cưới vợ nhưng hầu như anh không bao giờ phải chạm tay vào bất cứ một việc gì. Từ cái ăn, cái mặc, giấc ngủ và thậm chí đến tận khi 16 tuổi anh vẫn còn được chị gái gội đầu giúp cho. Việc chính của Quân chỉ là chơi và học.
Ngày Quân yêu Hương, việc đi đâu, tặng bạn gái cái gì, cãi nhau thì xử lý thế nào anh cũng phải nhờ mẹ và chị tư vấn. Biết anh là con trai một được cưng chiều, không ra dáng một người đàn ông mạnh mẽ nhưng vì Quân hơn Hương 4 tuổi nên cô cũng có chút hy vọng phần nào.
Thế nhưng sau ngày cưới về, càng ngày Hương càng cảm thấy bất lực với anh. Quân không những không biết làm việc nhà mà anh lại mắc tính hay dỗi. Vợ đi đâu về muộn, anh dỗi trong im lặng đến mấy ngày sau mới nói chuyện trở lại.
Vợ làm món ăn không được vừa miệng, anh buông đũa giữa chừng và đứng lên vào giường nằm đắp chăn. Đêm ngủ, anh dứt khoát không chịu mắc màn, để muỗi đốt, nếu vợ không chịu mắc màn thì anh dỗi và nhờ mẹ vào làm giúp. Vợ nói chuyện lâu với bạn bè, anh dỗi vì cảm giác bị bỏ rơi, trách vợ yêu bạn hơn chồng.
Thời gian đầu, Hương cũng thấy khó xử với gia đình nhà chồng mỗi khi hai vợ chồng giận nhau. Mẹ và các chị cứ ra sức khuyên cô phải nín nhịn, phải cố gắng hiểu tính chồng và nên chiều chồng. Hương biết thế nên dù rõ ràng chồng sai, chồng vô lý nhưng người làm lành trước vẫn phải là cô.
Thế rồi một lần, vì bên nhà mẹ đẻ của Hương có chuyện không may. Em trai cô đi xe và bị tai nạn giao thông. Hương tức tốc chạy lên bệnh viện và lo lắng mọi thủ tục. Khi xong việc cũng đã gần hết một ngày. Trở về nhà, vừa thấy Hương, mẹ chồng đã mắng té tát và cho biết là Quân đã giận và bỏ nhà đi đâu mất.
Bà ra lệnh cho Hương phải đi tìm chồng về bằng được. Mệt mỏi, tức giận, Hương đã nói toạc ra “Anh ấy lớn rồi, không phải trẻ con nữa, muốn dỗi thì cứ đi đi”. Sau đó, Hương cũng bỏ về nhà mình.
Suốt một tuần vẫn không thấy vợ làm lành, năn nỉ như bao lần trước, anh chồng lúc này mới cảm thấy ân hận nhưng vẫn còn giữ sĩ diện của đàn ông, chỉ nhờ chị sang nói chuyện với Hương. Hương vẫn không chịu về.
Dùng dằng mãi gần một tháng thì mới thấy anh chồng xuất hiện. Anh lí nhí bảo vợ về nhà và hứa sẽ cố gắng không hay dỗi nữa. Một lần biết nhận lỗi như thế này là rất hiếm hoi, Hương phấn khởi xách đồ đạc theo chồng về nhà trong chiến thắng. Tuy nhiên, trong thâm tâm, Hương hiểu là rồi thế nào cũng sẽ nhiều cơn giận tái diễn và con đường để thay đổi được ông chồng quý tử này sẽ thật lắm gian nan.
Như vậy, với một ông chồng sinh ra là con một, là người đàn ông duy nhất trong nhà thì thường hay phải gánh chịu những trách nhiệm hết sức nặng nề của mình với gia đình và dòng họ cũng như những tác động về tâm lý là “con giời” làm người đàn ông trở thành một cái gì khác biệt. Vì vậy, phải chăng khi đã xác định làm vợ của một ông chồng như thế thì người phụ nữ cần phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều thì mới có thể giữ được vẹn toàn cuộc hôn nhân cho chính mình.
Khánh Nam (NĐT)