Phải cạnh tranh gay gắt với các hãng hàng không và đội ngũ xe "dù", nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đường dài đang hoạt động cầm chừng...
Do lượng khách sụt giảm, nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng
Vắng kháchCông ty TNHH Xuân Quỳnh, trụ sở tại xã Quang Phục (Tứ Kỳ) hiện có 3 xe khách loại 40 chỗ chạy tuyến Bắc-Nam. Nếu như trước đây xe khách của doanh nghiệp này luôn hoạt động hết tần suất 14 chuyến/tháng thì nay chỉ chạy 12 chuyến/tháng. Theo đại diện công ty, so với năm 2013 thì lượng khách đi xe tuyến Bắc-Nam năm 2014 giảm đến 40%. Hiện nay tiền vé của hành khách vẫn bảo đảm chi phí chạy xe nhưng nếu tính cả khấu hao phương tiện thì doanh nghiệp đang phải bù lỗ. Trước đây, xe khách của doanh nghiệp này chỉ đón khách đến Ninh Bình là hết chỗ trống nhưng hiện nay tình trạng xe thừa chỗ ngồi xảy ra suốt hành trình.
Cũng gặp khó khăn tương tự, Công ty CP Vận tải và Du lịch Khang Kiên (TP Hải Dương) đã phải giảm tối đa tần suất chạy xe các tuyến đường dài. Ông Nguyễn Văn Sáng, đại diện công ty cho biết, doanh nghiệp hiện nay có 4 tuyến với 8 xe chạy cố định đường dài là Hải Dương - Gia Lai, Hải Dương - Đắc Lắc, Hải Dương - Hà Giang và Hải Dương - Sơn La. Mỗi xe có 41 giường nằm, tuy nhiên, lượng khách đi hiện nay sụt giảm nghiêm trọng, có nhiều chuyến chỉ có 1 khách trên xe. Bình thường cũng chỉ có từ 10-15 khách. “Vài tháng nay, công ty thường xuyên phải bù lỗ do lượng khách đi quá ít. Để bảo đảm chi phí tối thiểu duy trì hoạt động, công ty đã phải giảm tần suất chạy của các chuyến xuống mức thấp nhất có thể. Cụ thể, tuyến chạy Hải Dương - Gia Lai, trước đây công ty đăng ký chạy 29 chuyến/tháng, hiện nay hạ xuống chỉ còn 15 chuyến/tháng”, ông Sáng cho biết.
Bên cạnh những doanh nghiệp vận tải hành khách đường dài thì những doanh nghiệp vận tải khách cố định cũng đang gặp không ít khó khăn. Hiện nay, Công ty CP Ô-tô vận tải hành khách Hải Hưng có trên 30 xe chạy nhiều tuyến cố định như Hải Dương - Bắc Kạn, Bến Trại - Hà Nội, Thanh Hà - Hải Phòng, Quý Cao - Hà Nội... Vài tháng trở lại đây lượng khách giảm từ 15-20% so với trước. Trong quý IV năm 2014, khi giá xăng dầu giảm mạnh, công ty đã giảm giá cước theo đúng quy định, lượng khách đi ít, giá cước giảm, dẫn tới doanh thu bị sụt giảm, tiền lương của người lao động cũng bị giảm đáng kể. “Tháng 3-2014, công ty đã mở tuyến xe chạy từ bến xe Hải Tân (TP Hải Dương) đi bến xe Yên Nghĩa (TP Hà Nội). Tuy nhiên, sau 3 tháng đi vào hoạt động, lượng khách đi không nhiều nên buộc công ty phải xin ngừng hoạt động”, ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc công ty cho biết.
Cạnh tranh không lành mạnhQua khảo sát tại một số doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn tỉnh Hải Dương, được biết các đơn vị này phần lớn đều gặp khó khăn do lượng khách đi ngày càng ít, nhất là những tuyến xe cố định, vận chuyển cự ly ngắn. Nguyên nhân chủ yếu là do vẫn còn tồn tại tình trạng xe "dù" hoạt động nhốn nháo, bắt khách dọc đường không theo điểm cố định, cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Ô-tô vận tải hành khách Hải Hưng thì việc có nhiều doanh nghiệp được cấp phép trên cùng tuyến đường nhưng không tuân thủ hành trình và giờ chạy xe đúng đăng ký dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp "giẫm vào chân nhau".
Ngoài ra, hiện nay do người dân có nhu cầu di chuyển nhanh cũng tăng lên dẫn đến tình trạng xe khách đường dài bị ngoảnh mặt. Ông Phạm Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Quỳnh cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng thời gian qua là do các nhà xe phải cạnh tranh gay gắt với các hãng hàng không. Hiện giá mỗi vé xe khách giường nằm tuyến Hải Dương - TP Hồ Chí Minh là 780.000. Trong khi đó giá vé máy bay giá rẻ cũng chỉ từ 1-1,2 triệu đồng. Do giá cả chênh lệch không lớn, lại tiết kiệm thời gian di chuyển nên nhiều người lựa chọn đi máy bay thay vì xe khách”.
Nhiều người nhận định, tình trạng ế ẩm vé ở một số doanh nghiệp vận tải có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tới. Một chủ doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2015 nhu cầu đi lại của người dân sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, lượng khách đi xe tuyến Bắc-Nam sẽ giảm sâu. Nguyên nhân là các doanh nghiệp vận tải hàng không đang cạnh tranh gay gắt nên sẵn sàng bán vé dưới mức giá trần. Theo chủ doanh nghiệp này, thời gian tới chỉ có những doanh nghiệp thực sự “khỏe” mới có thể duy trì được hoạt động. Trong năm tới, doanh nghiệp này dự định bán bớt xe để duy trì những xe còn lại. Đây là thách thức cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh với nhau. Trong trường hợp lượng khách tiếp tục giảm thì đơn vị sẽ xin phép Sở Giao thông vận tải để giảm tần suất chuyến.
HOÀNG LAN
Từ đầu năm 2014 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra, xử lý 883 lượt xe khách vi phạm. Các lỗi chủ yếu là: chạy sai hành trình, lịch trình, đón trả khách không đúng nơi quy định... với tổng số tiền phạt 963 triệu đồng. Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải khách không thực hiện đủ số chuyến xe khai thác đã đăng ký, ngày 25-8-2014, Sở Giao thông vận tải đã có công văn chấn chỉnh. Trường hợp đơn vị kinh doanh không có khả năng bố trí được phương tiện phải có thông báo ngừng hoạt động hoặc giảm tần suất chạy xe đã đăng ký.
Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp vi phạm lỗi trên vẫn còn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận nộp phạt để giữ "lốt". Để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách, đồng thời góp phần khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra qua thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm. Bên cạnh đó cần có biện pháp dẹp bỏ xe "dù".
|