Thời gian qua, dịch lợn tai xanh đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cảnước, số lượng lợn phải tiêu huỷ lên tới hàng trăm ngàn con, gây thiệthại lớn cho người chăn nuôi. Dưới đây là 1 số kiến thức về bệnh tai xanh và chính sách hỗ trợ.
Bệnh tai xanh còn gọi là Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (Porcine reproductive and respiratory syndrome-PRRS), do một loại vi - rút gây ra. Khi mắc bệnh, lợn thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt, bỏ ăn, mệt mỏi. Lợn nái đẻ non, đẻ ra lợn con yếu hoặc thai chết, thai gỗ. Lợn lớn hơn có triệu chứng lâm sàng tương tự, có thêm hiện tượng tím tái ở tai (bệnh tai xanh), âm hộ, đuôi, bụng và miệng.
Cơ chế lây lan: Chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp và lợn hít phải bọt nước có nhiễm mầm bệnh; do vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ nơi này qua nơi khác. Đặc biệt, vi - rút có thể truyền đi theo chiều gió xa tới 3-4km nên khả năng lây lan là rất lớn.
Điều trị: Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kế phát.
Phòng và kiểm soát bệnh: Vệ sinh sát trùng chuồng trại thường xuyên nhằm giảm bớt mật độ các vi khuẩn và vi -rút khác có thể kết hợp hoặc kế phát gây bệnh nghiêm trọng hơn cho lợn.
Chính sách hỗ trợ
Để tăng cường công tác phòng chống, giúp các hộ chăn nuôi khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 719/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, mức hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu huỷ bắt buộc tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm, cụ thể là 25.000 đồng /kg lợn hơi.
Đồng thời, chủ nhân được khoanh nợ trong thời gian một năm đối với số dư nợ vay đến ngày công bố dịch. Các tổ chức tín dụng không thu lãi tiền vay phát sinh trong thời gian khoanh nợ và giảm lợi nhuận trước thuế tương ứng với số lãi mà các tổ chức tín dụng không thu được.
Các chủ chăn nuôi đang được khoanh nợ vay theo quy định trên, nếu có nhu cầu vay vốn để khôi phục chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc chuyển đổi ngành nghề được tiếp tục vay vốn theo quy định của pháp luật.
(Theo Kinh tế Nông thôn)