Ngày 3-11, bệnh nhân nghi nhiễm Ebola Chu Văn Chung (26 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ niềm vui khi nhận được thông tin mình âm tính với xét nghiệm Ebola.
Bệnh nhân Chu Văn Chung đã hoàn toàn bình phục và thoát khỏi cơn sốt rét ác tính nguy hiểm đến tính mạng |
Anh Chung cho biết, khi di chuyển từ các sân bay ở Guinea và Ma Rốc, hầu hết các hành khách đều được kiểm tra thân nhiệt rất chặt chẽ, tại Qatar thì không có kiểm tra. Nhưng về đến sân bay Tân Sơn Nhất, anh Chung cũng được kiểm tra thân nhiệt, nhưng khi ấy chỉ mệt mà chưa phát sốt nên không kiểm tra được thân nhiệt anh Chung lúc này.
Tuy bị cách ly trong vòng 28 tiếng đồng hồ, nhưng anh Chung cho biết anh không cảm thấy lo lắng bởi trước đó, anh cũng đã có tìm hiểu về dịch Ebola và thấy mình chỉ có triệu chứng sốt, nhưng không đi kèm những triệu chứng tiêu chảy, vàng da nên cảm thấy rất yên tâm.
Anh Chung cũng cho hay dù làm việc ở Guinea 2 năm với công việc chụp ảnh, điều chỉnh ảnh nhưng trước dịch bệnh Ebola hoành hành, cộng với sự khó khăn của kinh tế nên anh quyết định về nước.
Vào trưa 3.11, bác sĩ Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cũng cho biết anh Chung đã phục hồi sức khỏe, từ việc nhập viện với tình trạng sốt trên 40 độ, nay anh Chung đã ngưng sốt, và tỉnh táo. Song trong chẩn đoán của anh Chung, tình trạng sốt rét với tỉ lệ ký sinh trùng trong máu 5+ là vô cùng cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Rất may nhờ sự nỗ lực kịp thời của các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngành y tế thành phố đã giúp cho anh Chung thoát khỏi nguy hiểm và sức khỏe nhanh chóng hồi phục.
Dù vậy, anh Chung sẽ vẫn được theo dõi thêm để đủ với thời gian 21 ngày ủ bệnh theo đúng quy trình.
* Ngày 3-11, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, sau sự việc một bệnh nhân nghi nhiễm Ebola tại Đà Nẵng, ngành Y tế Đà Nẵng đã chủ động rà soát, rút kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh này trên địa bàn.
“Chúng tôi đã triển khai tích cực nhất những phương án khoanh vùng, điều trị, cách ly... Giữa các ngành cũng có sự phối hợp đồng bộ. Bệnh viện Đà Nẵng qua việc này cũng chứng tỏ được là nơi có thể đảm bảo, đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực trong việc thu dung điều trị bệnh nhân Ebola nếu không may xuất hiện tại địa phương”, bà Yến nhận định.
Cùng với việc trang bị trang thiết bị và trang phục bảo hộ nhân viên y tế trực tiếp làm công tác phòng chống dịch Ebola, bà Yến cho hay, ngành y tế tiếp tục được đầu tư 5,2 tỷ đồng để mua máy siêu lọc máu, máy ECMO để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Ebola.
Theo Thanh niên