Bệnh lùn sọc đen phương nam (LSĐPN) và vàng lá di động (VLDĐ) đã xuất hiện trên các trà lúa mùa trong tỉnh.
Đây là 2 loại bệnh nguy hiểm có khả năng làm giảm năng suất lúa, thậm chí gây ra nguy cơ mất mùa. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn ông Trần Trung Âu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về vấn đề này.
- Diễn biến của bệnh LSĐPN, VLDĐ hại lúa mùa trong tỉnh đến thời điểm hiện tại thế nào, thưa ông?
- Bệnh LSĐPN, VLDĐ thường phát sinh nhanh và gây hại mạnh vào thời kỳ lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Theo kết quả điều tra dịch hại của chi cục, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh LSĐPN đang phát triển với mật độ cao trên trà lúa mùa sớm và mùa trung, trung bình từ 100-150 con/m2, nơi cao từ 300-500 con/m2. Qua kết quả phân tích mẫu rầy của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, trong tổng số 161 mẫu rầy được thu thập thì có 10 mẫu mang nguồn bệnh. Dự báo, bệnh LSĐPN có khả năng gây hại tương đương vụ mùa 2017. Thời gian tới, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục di trú sang trà lúa mùa muộn và mùa trung cấy muộn trên các giống dễ nhiễm rầy.
Bệnh VLDĐ đã xuất hiện tại các xã Thanh An, Cẩm Chế, Thanh Hải (Thanh Hà), Bạch Đằng, Quang Trung, Hiệp Sơn (Kinh Môn), Kim Anh, Cộng Hòa (Kim Thành), Quốc Tuấn, Cộng Hòa (Nam Sách) và thị trấn Thanh Miện. Tình hình thực tế cho thấy nguy cơ bùng phát dịch bệnh LSĐPN, VLDĐ là rất cao nếu như không có biện pháp phòng trừ kịp thời.
- Để tránh bệnh LSĐPN, VLDĐ bùng phát thành dịch, người dân cần tập trung thực hiện các biện pháp gì?
- Bệnh LSĐPN, VLDĐ rất nguy hiểm, khó phát hiện và chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy chỉ có thể phòng bệnh chứ không thể chữa bệnh. Việc cần làm ngay lúc này là nông dân trong tỉnh phải tập trung phun phòng trừ rầy để tiêu diệt hết nguồn rầy gây bệnh. Phun trừ phải được thực hiện đồng loạt nhằm tránh rầy di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Vụ mùa năm 2017, vào thời điểm giữa tháng 8, bệnh LSĐPN, VLDĐ đã cơ bản được khống chế, ngừng lây lan nhưng đến tháng 9, bệnh phát triển với tốc độ nhanh và bùng phát thành dịch. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng trừ bệnh. Người dân và cán bộ chuyên môn phải bám sát đồng ruộng để kịp thời xử lý khi phát hiện dấu hiệu bệnh.
- Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN MƠ (thực hiện)