Hiện nay, nhiều diện tích gấc trên địa bàn huyện Nam Sách xuất hiện một số bệnh lạ gây hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây gấc.
* Triệu chứng:
Lúc đầu chỉ là những vết loang ướt hình nhẫn trên thân, cuống lá hoặc các chấm trên gân cấp 1 và cấp 2 của lá; búp ngọn, các chồi non đang nhú chuyển màu vàng nhạt. Sau đó, những vết nổ phình to và có chứa chất mềm dẻo màu nâu; búp ngọn và các chồi non chết héo màu vàng thâm.
* Đối tượng gây hại:
Bóc tách và quan sát kỹ các bộ phận bị hại nhưng chưa khẳng định được rõ đối tượng gây hại. Có thể đây là các ổ bào tử của một loại nấm.
* Đặc điểm phát sinh và phá hại:
Phát sinh trên cây mọc từ mầm chồi của gốc cũ, có thân đang leo bò trên mặt giàn và chưa bị bệnh nấm sương mai giả gây hại. Hiện bệnh này đang lây lan nhanh, gây chết các búp ngọn, mầm non và tua cuốn.
* Nguyên nhân và biện pháp khắc phục:
Có thể do các yếu tốthời tiết diễn biến phức tạp và thất thường, nóng ẩm xen kẽ… nên bệnh bùng phát. Vì vậy, cần thăm giàn gấc thường xuyên. Nếu có triệu chứng thì cần dùng kéo sắc, nhẹ nhàng cắt bỏ những búp ngọn, mầm non bị bệnh và thu gom tiêu hủy. Tưới bổ sung urê và kali theo vành khăn cách gốc từ 80 - 100cm với lượng 30g đạm và 100g kali/lần/gốc; tưới làm 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày, vào chiều mát. Dùng 1 gói thuốc Alpine 80WG loại 20g và 1 gói bám dính HPC loại 20ml pha với 8 lít nước, phun đẫm đều cho gấc. Phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày, phun vào chiều mát.
KS.NGUYỄN HỮU VÂN