Bệnh đã chẩn, trị ra sao?

23/05/2016 07:06

Những năm gần đây, tình trạng úng ngập trong mùa mưa bão đã thành bệnh "kinh niên" của nhiều khu vực ở TP Hải Dương.


Hiện trạng và nguyên nhân đã được xác định nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.



Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Lương Bằng, đoạn ngã tư Máy Sứ đến đường
Ngô Quyền để hạn chế ngập úng trong mùa mưa bão   


Mưa là ngập

Gần đây, mưa to đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân khu dân cư 12 phường Tân Bình (TP Hải Dương). Bà Nguyễn Thị Bích, một người dân ở đây nói: "Cứ mưa bão là chúng tôi sợ lắm. Nước ngập không nhìn thấy đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Nước tràn cả vào nhà nên hễ mưa là hộ nào cũng phải có người túc trực để kê tủ lạnh, bàn ghế... lên cao không thì hỏng hết". Bà Lê Thị Mỵ, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết cả chục năm nay địa bàn phường đã trở thành "rốn nước" của thành phố. Các khu 6, 7, 9, 10, 11, 12... cứ mưa to là nhiều điểm ngập sâu từ 60-70 cm, có chỗ sâu hơn 1 m, kéo dài đến 8-10 tiếng. Nặng nhất là khu 12 thường bị ngập kéo dài do chưa có trạm bơm dã chiến. Các khu 2, 3 và 4 (Tân Kim) nằm giữa đường Nguyễn Chí Thanh và đường Phạm Văn Đồng gần đây cũng hay bị ngập úng kéo dài do chưa có hệ thống thoát nước hoặc có nhưng không còn tác dụng. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các ngành chức năng nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã cận kề, nỗi lo lớn nhất hiện nay của lãnh đạo phường là trời mưa to thì nhiều người dân phải... dùng thuyền để đi bỏ phiếu!", bà Mỵ nói.

Là một trục phố chính nhưng chỉ mưa vừa là đường Nguyễn Lương Bằng đã ngập sâu từ 30-40 cm. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước dọc đường này nhỏ (cống chỉ có đường kính 50 cm), xây dựng từ lâu, không đồng bộ với hệ thống thoát nước xung quanh. Một số điểm giao cắt không cùng cốt với đường ống nhánh, gây ách tắc. Trước đây xung quanh khu có nhiều ao, ruộng trũng có chức năng chứa nước nhưng nay đều bị san lấp... thậm chí đã thành các khu đô thị mới. Tất cả nước của khu vực đều dồn qua kênh T2 đến trạm bơm Bình Lâu để bơm ra sông. Tuy nhiên, công suất trạm bơm này nhỏ, chỉ khoảng 10.000 m3/giờ, mới đáp ứng 1/3 yêu cầu. Khu vực đông Ngô Quyền hay bị ngập úng kéo dài, hệ thống cống thoát dưới lòng đường Bà Triệu bị lún sụt, gây ách tắc. Còn khu vực tuyến phố Vũ Hựu, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Duệ ngập úng là do nhà thầu thi công đường không nạo vét thanh thải hoàn trả hệ thống thoát nước sau khi thi công.

Ông Phạm Đình Việt Đức, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương cho biết thành phố đã xác định rõ 2 khu vực ngập úng chủ yếu là quanh khu đô thị phía tây và khu phía bắc đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Nguyên nhân đều đã được xác định, nhưng biện pháp xử lý dứt điểm gặp rất nhiều khó khăn.

Quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội-Hải Phòng như một con đê chắn ngang, gây khó khăn cho việc tiêu, thoát nước của toàn bộ các phường Cẩm Thượng, Nhị Châu và Bình Hàn. Trạm bơm Bình Hàn tiêu thoát nước cho khu vực này nhưng nhiều lúc thiếu nước để bơm do chưa có hệ thống hồ điều hòa và hệ thống dẫn nước tương thích. Trong khi các máy bơm tiêu úng ở phường Nhị Châu chỉ có tổng công suất 2.000 m3/giờ, quá nhỏ so với yêu cầu. Phường Cẩm Thượng thậm chí chưa có trạm bơm tiêu úng. Chưa kể, mỗi tuyến tiêu của hệ thống thoát nước ở khu vực này thường dài cả km, cống tiêu thoát nước không đồng bộ, dòng chảy bị lấn chiếm, ách tắc bởi bèo rác.

Nhiều khó khăn

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương, trước tình trạng ngập úng nghiêm trọng nói trên, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục. Hiện nay, TP Hải Dương đang xây dựng hệ thống kênh T2, dài khoảng 400 m từ đường Nguyễn Lương Bằng đến phố Mai Hắc Đế. Hệ thống thoát nước của phố Nguyễn Lương Bằng đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến ngã tư Ngô Quyền cũng đang được cải tạo thành cống hộp bê tông rộng 1,5m. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu thoát nước của các tuyến đường Nguyễn Quý Tân, Hoàng Diệu cũng đang được cải tạo.

Nhằm tăng khả năng thoát nước, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã hoàn thành kế hoạch tu sửa máy móc, thiết bị, nạo vét bùn, rác trong hệ thống cống ngầm thoát nước trên địa bàn thành phố. Ngay từ đầu năm, công ty tập trung nạo vét các điểm ách tắc như nút giao Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Thị Duệ, cống đầu nguồn đường thoát nước Hoàng Diệu, ngã tư Máy Sứ, khu đô thị đông Ngô Quyền, cải tạo kênh trục nối 2 trạm bơm Thanh Cương và Thanh Bình... Tại trạm bơm Bình Lâu, trạm bơm tiêu lớn nhất khu vực phía tây thành phố, ngoài 3 máy cố định, đơn vị đã lắp thêm 2 máy bơm dã chiến, đưa tổng công suất tiêu úng lên 9.700 m3/giờ. Trong hơn 2 tháng qua, đơn vị tập trung cải tạo đoạn tiêu thoát nước trước cửa nhà văn hoá khu 2 phường Cẩm Thượng, thay 30 m cống D400 cũ bằng cống D600 và chôn sâu từ 0,7 - 1,4m; nạo vét và tu bổ kênh dẫn vào cống tự chảy sau nhà văn hóa khu 12 phường Tân Bình.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thành phố chỉ ưu tiên xử lý nơi ngập úng nặng trước. Biện pháp xử lý cũng còn nặng tính tạm thời nên hiệu quả không cao.

Để TP Hải Dương không còn ngập úng, theo ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương, đầu năm 2016 TP Hải Dương đã được Tổ chức Sáng kiến phát triển các thành phố châu Á hỗ trợ nghiên cứu tổng thể và lập báo cáo tiền khả thi hệ thống tiêu thoát nước toàn thành phố. Dự kiến báo cáo sẽ hoàn thành trong năm nay, qua đó xác định các trọng điểm ngập úng để phân kỳ và ưu tiên đầu tư. Việc xác định được các trọng điểm sẽ tạo thuận lợi cho TP Hải Dương trong việc khắc phục tình trạng ngập úng... Nhưng để thực hiện được dự án xử lý ngập úng tổng thể này, TP Hải Dương cần tổng nguồn vốn gần 3.000 tỷ đồng. Vì vậy, TP Hải Dương đề nghị và đã được tỉnh tạo điều kiện làm việc với các bộ, ngành Trung ương để vay vốn từ các nguồn ODA để đầu tư xử lý, nâng cấp hệ thống nước thải của thành phố trong những năm tới.

NGỌC THỦY - THÀNH LONG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh đã chẩn, trị ra sao?