Minh họa: Văn Hà
Người ta gọi đoạn bờ sông thoai thoải chạy xuống mép nước, chi chít sỏi trắng, mảnh hến vỡ ấy là bến Vũ. Từ ngày tóc Linh còn buộc vổng như đuôi con trống cồ, lon ton theo các cô ra bến đã thấy người ta gọi thế. Chiều về, cả làng đổ ra bến. Người lớn tắm giặt, trẻ con ngụp lặn, đám thanh niên vừa sa cỏ vừa té nước, đùa nhau ầm ĩ một khúc sông. Thi thoảng chiếc tàu sông chạy qua, tiếng máy phành phạch kéo cái chân vịt cuộn nước ùng ục làm mặt sông duềnh lên, bao vòng sóng nối nhau ì oạp táp bờ.
Chẳng biết sông bắt đầu từ đâu, tới làng Biền bỗng chùng chình, uốn lượn làm dáng, rồi phình to trước lúc dồn mình đổ ra cửa Văn Úc. Phù sa ngấm vị mặn lúc triều lên khiến bãi bồi bên bờ dềnh dang, ngăn ngắt màu cói. Vào vụ, cói ngả màu xám bạc khắp đường làng, vị mặn ngấm vào gió, tãi theo mái rạ, đọng thành tên làng dệt cói. Thân cói đượm mùi phù sa nước lợ, qua bàn tay nâu rám, mềm mại của người phụ nữ làng Biền thành vô số mặt hàng trôi đi muôn nẻo. Nhiều nhất là chiếu.
Chiều về, các bà, các chị mang chiếu ra bến giặt. Một đầu chiếu trong bàn tay nâu sậm, đầu kia vung lên, vòng qua tấm lưng ong, qua gáy... Chiếc cầu vồng nước dựng lên trắng xoá, ụp xuống phía trước, chẳng mảy may giọt nào rơi vào lưng người giặt. Đầu chiếu đập xuống mặt nước, tiếng nổ bùng lên như pháo lệnh đêm giao thừa. Người này đập, người kia đập... Một tiếng, hai tiếng... Dòng âm thanh nối nhau thành chuỗi, xoắn xuýt, loang ra, vấn vít theo tiếng còi tầu khàn đục của đoàn thuyền đầy hàng đang lừ đừ qua bến. Rồi đám thuyền gắn buồm trắng, buồm nâu neo lại. Họ tíu tít mua gạo, rau quả chất đầy khoang lại giương buồm kéo đi. Linh và bao đứa trẻ trên bến Vũ đã từng ao ước, giá mình có thể đi khắp nơi như con thuyền gắn buồm ấy.
Năm Linh mười tám, hình ảnh cô gái mặc áo vỏ già chiều chiều ra bến giặt chiếu thành niềm ước ao của nhiều chàng trai trong vùng. Những chiếc chiếu dệt nên từ thân cói trắng mịn dập dềnh như múa trong tay cô.
Chiều ấy, Linh lại đem chiếu ra bến. Mê mải, cô không biết, cặp chiếu cưới họ đặt đã trôi ra giữa sông. Đôi chiếu cạp điều, chỉ hai ngày nữa phải trả khách. Dệt lại, không kịp. Gió ve vuốt thổi. Đôi chiếu dập dềnh ngoài xa như trêu ngươi. Đang định nhoài người bơi vớt, Linh giật mình. Những tia sáng lấp loá từ chiếc thuyền sông, mái vòm cong như bức tường trắng đón nắng hắt tới. Gió dập dồn. Sóng cồn lên. "Phải chờ con thuyền này qua đã”. Bỗng trên khoang tàu, một chàng trai lao ùm xuống nước. Chỉ vài sải tay, chàng trai đã đẩy đôi chiếu về chỗ Linh đang chìm chân dưới sóng. Cô đứng im, má lựng như quả bồ quân. Thoáng sững người, chàng trai tủm tỉm cười rồi nhoài người bơi đuổi theo tàu. Ánh mắt gửi lại khiến Linh bối rối.
Tối ấy, trong tiếng khuôn dệt lách cách nhịp nhàng, bàn tay luồn cói của Linh chệch choạc như không phải tay mình. Bà nội gắt nhẹ:
- Sao cứ như mất hồn thế?
- Bến nước làng mình sao lại là bến Vũ hả bà?
Bà lắc nhẹ:
- Tên thì từ thời các cụ. Trước ngày, làng ta không dệt chiếu mà dệt lĩnh. Chiều chiều, người ra bến giặt lĩnh còn đông hơn giặt chiếu bây giờ. Tàu thuyền về cất lĩnh đậu rợp quãng sông. Rồi cô con gái ông chánh tổng ra bến giặt lĩnh phải lòng cậu chàng làm thuê của một vạn thuyền. Ông chánh tổng biết, nhốt con gái vào buồng. Một đêm, cô trốn nhà. Người nhà chánh tổng đuổi đến bến sông này thì ông giời đổ nước trắng băng cả. Đôi trai gái vượt sông. Gặp vùng nước xiết, họ ôm nhau chìm dần. Mấy ngày sau mới thấy xác nổi lên dưới mãi vực Be kia, mà vẫn quấn chặt lấy nhau mới lạ... Từ ấy, cứ giỗ hai người là lại mưa to gió lớn mất mấy ngày, nhiều khi bốn chung quanh nắng cứ chang chang mà bến sông làng ta vẫn mưa vần mưa vũ. Chắc vậy nên thành bến Vũ.
Rồi bà chép miệng:
- Mà chả cứ đâu xa, mấy chục năm trước chứ mấy, đánh Pháp lại kháng Mỹ, bao người cũng ra đi từ bến sông này. Làng mình mấy đận còn toàn đàn bà. Đàn ông làng này bơi lội giỏi như rái cá, đi đánh giặc rồi thì chẳng mấy ai về. Đàn bà làng này bao người vẫn ra bến Vũ khóc vụng đấy thôi. Người đời không hay nhưng bến Vũ thì biết cả đấy. Bến thì neo lại. Chỉ có sông là cứ chảy thôi con ạ.
Tiếng bà lẫn trong tiếng khung dệt. Chắc bà nhớ ông. Chuyện về ông trong lời kể của bà nhiều lắm. Cứ mơ hồ, xa xăm. Linh không biết tường tận về ông nội ngoài tấm hình đã ố vàng trong khung ảnh trên ban thờ. Giọng bà thì thầm lẫn trong tiếng khung dệt rồi trôi đi như nước ngoài bến Vũ. Lòng Linh nôn nao. Ánh mắt chàng trai chiều trên bến khiến cô bồi hồi. Bàn tay bỗng va vào thoi dệt. Cô giật mình: Chim trời cá nước. Họ trên thuyền, cô dưới bến... Chả biết đâu!
Hôm sau, sau nữa... Linh trốn bà không ra bến giặt chiếu lúc rạng ngày. Con tàu sông có mái vòm trắng hắt nắng cong cong phía trước vẫn theo nhịp thuỷ triều trôi qua bến Vũ. Mỗi lần qua bến, từ vòm trắng cong như mảng tường đón nắng lại cất tiếng còi. Cứ ba tiếng một rồi kết thúc bằng một hồi ngân dài. Rồi chân Linh cũng phải ra bến. Cô không biết, tiếng còi tàu mỗi chiều qua bến là lời chàng trai vớt giúp chiếu chiều nào gửi lại. Tiếng còi cứ ngân dài, nửa như vô tình, nửa như mời mọc, nửa là thảnh thơi, nửa ngập ngừng gửi gắm. Lâu thành quen. Mỗi lần con tàu qua, cô ngẩng mặt, cười dẫu mơ hồ xa vắng.
Chiều ấy, cô em gái Linh giặt chiếu về, cười từ ngõ:
- Anh chàng trên tàu sông có mái vòm cong cong màu trắng ghé bến hỏi chị đấy. Anh ta còn nhầm em là chị cơ.
- Làm gì có anh chàng nào? Linh lừ em.
- Cái anh chàng thuyền trưởng tên Vũ gì đó. Anh ta bảo chiều nào qua bến cũng thấy chị giặt chiếu mà.
- Cả làng này dệt chiếu, thiếu gì người ra bến giặt lúc chiều. Chắc anh ta lấy cớ gặp em đó thôi - Linh trêu em gái.
- Không. Anh ta biết tên chị, lại còn biết chị hay mặc áo màu vỏ già nữa kia... Thế mà... giấu mãi - Cô em nguýt Linh - Anh ấy hẹn vào nhà mình chơi đấy.
*
*
*
*
*