Anh bạn vong niên của tôi mấy đời ở đất Bình Hàn nên tỏ ra thông thuộc lắm. Anh rất yêu quê hương nên mặc dù công tác nơi xa hơn sáu chục cây số, bận bịu nhiều công việc, thế mà hễ hở ra chút thời gian rảnh rỗi là lại "vù" về quê ngay. Lần nào về anh cũng rủ tôi ra Bến Hàn ngắm nghía. Cũng phải thôi. Bố mẹ anh xưa kia vốn là thanh niên xung phong bảo vệ cây cầu phao bắc qua sông Thái Bình. Mẹ anh là người Thượng Đạt, bên bờ bắc. Cha anh là người Bình Hàn, phía bờ nam. Hai người gặp nhau, chung mục đích, chung lý tưởng. Thế là nên vợ nên chồng. Anh bảo: "Y như truyền thuyết ngày xưa, nhưng có hậu". Năm xưa nơi đây nằm trên con đường huyết mạch vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng đi khắp miền Tổ quốc. Khúc sông này biết bao lần bị kẻ thù bắn phá, biết bao chàng trai cô gái đã ngã xuống để bảo đảm mạch máu giao thông.
Chiều nay cũng như bao bận trước, anh kéo tôi bằng được ra tận chân cây cầu đang đi vào hoàn thiện. Những cơn gió đông bắc đầu tiên tràn qua sông Thái Bình thổi vào thành phố mang đậm hương sắc phù sa. Những người công nhân đang tất bật thi công những công đoạn cuối cùng. Máy móc nằm rải rác nổ ran một khúc sông. Cây cầu sừng sững được xây dựng, bền vững và chắc chắn. Nó minh chứng cho sự lớn mạnh của đội ngũ xây dựng cầu Việt Nam luôn làm chủ khoa học kỹ thuật. Hai bên bờ, những người dân Bình Hàn, Thượng Đạt, An Châu chiều chiều ra ngắm cây cầu mỗi ngày một vươn dài mà lòng xao xuyến và hy vọng. Ước vọng ngàn đời giờ đây đã thành hiện thực. Cây cầu hoàn thành chắc chắn không còn ngại ngần đò ngang cách trở, không lo lắng bão lũ gió giông.
Mùa này nước sông Thái Bình cạn lắm. Bãi soi như cao hơn, rộng thêm ra. Mấy xã đã nâng cấp thành phường từ lâu. Ruộng đồng chả còn bao nhiêu, nhưng người dân vẫn cần mẫn tra hạt trồng màu. Họ tận dụng từng rẻo đất con con, từng bãi cát non. "Muốn ăn lúa tháng năm trông trăng rằm tháng tám". Người xưa dạy thế. Cái mốc thời gian chỉ là ước lệ. Hôm nay người nơi đây chả ai dùng nữa. Họ thay bằng những thành ngữ mới: "Cứ phải qua Tết Độc Lập (2-9) mới hết lũ". Những nhà trồng màu nơi vùng trũng, bãi non lại bảo: "Phải qua Tết Giải phóng (30-10) mới thật sự yên tâm đặt cây màu xuống". Thế đó. Những ngày lịch sử của đất nước, của thành phố đi vào nông lịch như một lẽ tự nhiên. Nghe dân dã mà thân thiết đến lạ lùng.
Cuối thu, mới chớm vào đông, người dân Bến Hàn đã cảm nhận được hơi thở của mùa xuân đang tới. Cái nắng gió ấm áp của mùa xuân đang giấu mình trong từng luống hoa mới trồng, trong vườn đào vừa khoanh vỏ hãm cây, trong từng chậu quất vừa đảo. Những bàn tay lam lũ, chai sạn của người thành phố lam làm đang kiến thiết thành phố đẹp lên, bắt đầu từ những chiếc lá vàng rơi.
Anh nhắc lại huyền thoại xa xưa về cái tên Bến Hàn mà tôi đã nghe đến thuộc lòng. Giọng anh vẫn say sưa như lần kể ban đầu. Ngày xửa ngày xưa, từ thuở khai thiên lập địa, sông Thái Bình rộng lắm. Đứng bên đây không nhìn thấy bờ bên kia. Quanh năm sóng gầm gào dữ dội. Có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Người con gái bên bờ bắc. Người con trai bờ nam. Mỗi lần gặp nhau họ đều phải vượt qua con sông đầy hiểm nguy rình rập. Một lần không may chiếc đò ngang gặp phải giông tố. Chiếc thuyền chở người con gái bị nhấn chìm. Thương người yêu chết oan, giận con sông hung dữ, chàng trai quyết tâm đắp một con đường từ bờ nam sang bờ bắc, cắt đôi dòng sông Thái Bình. Tâm nguyện của chàng mong mỏi những đôi trai gái sau này không còn gặp cảnh ngộ như mình. Đồng cảm với chàng, người dân quanh vùng chung sức đắp đường. Công việc đang thuận lợi thì chàng lâm bệnh qua đời. Con đường thành dang dở. Chắc vì thế mà người xưa gọi là Bến Hàn chăng? Hàn là yên hàn, là hàn gắn. Dù thế nào chăng nữa Bến Hàn vẫn sinh ra cùng xứ Đông cần cù và chân chất. Mấy ngàn năm dâu bể, cái tên ấy vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.
Ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, cầu Hàn đã được thông xe. Đây là cây cầu thứ ba vượt sông Thái Bình cùng nằm trong thành phố. Sẽ không còn cảnh kẻ bờ bắc, người bờ nam nhìn nhau. Cầu Hàn chưa phải là biểu tượng duy nhất về sự phát triển của một thành phố trẻ sau gần 30 năm đổi mới. Nhưng trong tâm khảm người thành phố vẫn lắng đọng rất nhiều kỷ niệm về một cái tên rất đỗi thân thương, rất đỗi tự hào: Bến Hàn.
Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN