Nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không phép vẫn hoạt động công khai trong thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép dưới chân cầu Phú Lương cũ ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương) ngang nhiên hoạt động, tập kết hàng nghìn m3 cát, đá
Dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định nhưng nhiều bến bãi không phép trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài.
Ngang nhiên hoạt động
Phường Minh Tân (Kinh Môn) có 11 bến bãi kinh doanh than, vật liệu xây dựng (VLXD). Tất cả đều chưa được cấp phép nhưng luôn hoạt động tấp nập. Việc chế biến và tập kết than, đá trái phép tại những khu vực này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bà Trần Thị Hoa ở phố Đốc Tít cho biết: "Ở dãy phố này, nhà ai cũng đóng cửa cả ngày mà bụi than, đá vẫn bay vào nhà. Không khí lúc nào cũng ô nhiễm bởi khói bụi, trời mưa thì đường trơn trượt, bẩn thỉu. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND phường nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện".
Nhiều năm nay, hoạt động bến bãi ở thị xã Kinh Môn luôn phức tạp nhất tỉnh. Toàn thị xã có 113 bến bãi kinh doanh VLXD, than, quặng, đóng tàu... dọc các tuyến sông Đá Vách, Kinh Thầy... Trong số đó chỉ có 18 bến bãi được UBND tỉnh cấp phép nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5 bến bãi còn giấy phép hoạt động. Hầu như xã, phường nào cũng có hoạt động bến bãi, nhưng nhiều nhất là ở các phường Minh Tân, Phú Thứ, Hiệp Sơn, Phạm Thái, Duy Tân... Trong năm 2019, chỉ tính riêng các trường hợp vi phạm về Luật Đê điều, các bến bãi vi phạm đã bị xử phạt tổng số tiền lên đến 1,2 tỷ đồng. Theo ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê thị xã Kinh Môn, chủ các bến bãi sẵn sàng nộp phạt bởi lợi nhuận thu được cao hơn số tiền bị phạt.
Khu vực dưới chân cầu Phú Lương cũ thuộc phường Nam Đồng (TP Hải Dương) có 1 bãi kinh doanh VLXD rộng khoảng 2.000 m2 vẫn ngang nhiên hoạt động dù không được cấp phép. Trên bãi sông, hàng nghìn m3 VLXD được tập kết, xe trọng tải lớn liên tục nối nhau ra vào bến làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn công trình đê điều. Chỉ tính riêng tại phường này có tới 6 bãi kinh doanh VLXD, tất cả đều không có phép.
Không chỉ phường Nam Đồng, hầu hết các xã, phường nằm ven sông Thái Bình đoạn qua TP Hải Dương đều bị các doanh nghiệp, cá nhân "hô biến" thành các bến bãi kinh doanh VLXD, than, trạm trộn bê tông... Theo thống kê của Hạt Quản lý đê TP Hải Dương, trên địa bàn có tất cả 49 bến bãi, nhưng chỉ có 4 bến bãi mới được cấp phép lại, còn đều hết hạn và không có phép. UBND thành phố đã nhiều lần yêu cầu các bến bãi không nằm trong quy hoạch, hoạt động sai phép, không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng hết hạn dừng mọi hoạt động, di chuyển toàn bộ vật liệu, phương tiện, tháo dỡ công trình vi phạm ra khỏi bãi sông, khôi phục hiện trạng ban đầu. Song đến nay các bến bãi vẫn hoạt động ngày đêm.
Kiên quyết xử lý
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 380 bến bãi, trong đó có 337 bến bãi đang hoạt động ở các hệ thống sông chính và sông nội đồng. Hầu hết các bến bãi đều chưa được cấp phép do chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định. Mặc dù những năm gần đây, hoạt động của các bến bãi đã được quản lý chặt chẽ hơn, một số bến bãi có giấy phép hoạt động, nhưng nhiều đơn vị vẫn vi phạm pháp luật trong hoạt động bến bãi. Các vi phạm chủ yếu là dùng xe quá tải trọng đi trên đê; lắp dựng lán, xây dựng công trình không phép ngoài bãi sông; gây ô nhiễm môi trường; sử dụng cát, vật liệu không rõ nguồn gốc đã tiếp tay cho nạn khai thác cát trái phép...
Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý vi phạm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây sang hoạt động bến bãi...
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ các bến bãi trên địa bàn, quy hoạch lại hệ thống các bến bãi để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng giai đoạn 2020 - 2030. Để làm được điều này cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và các ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, công an... Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ đầu. Kiên quyết loại bỏ các bến bãi trái phép nằm ngoài quy hoạch. "Hiện nay, các huyện, thành phố đã yêu cầu chủ các bến bãi ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, môi trường. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra nguồn gốc vật liệu và việc chấp hành quy định pháp luật để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định...", ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết.
TRẦN HIỀN