Người dùng mạng di động Beeline đang hồi hộp chờ đợi xem thương hiệu mới sẽ là gì, bởi tới giữa tháng 9 này, GTEL Mobile sẽ phải ngừng sử dụng thương hiệu Beeline.
|
Ngày 23-4, GTel đã tuyên bố mua lại 49% cổ phần của VimpelCom để sở hữu 100% mạng Beeline Việt Nam. Với thương vụ này, theo thỏa thuận với VimpelCom, trong vòng 6 tháng nữa, thương hiệu Beeline sẽ không còn được sử dụng tại thị trường Việt Nam. GTEL Mobile sẽ phải phát triển một thương hiệu mới cho mạng di động giờ 100% vốn “nội” của mình. Và hiện giờ, thời gian dừng sử dụng thương hiệu này tại Việt Nam đã cận kề.
Ở thời điểm mua lại 49% cổ phần của đối tác ngoại, đại diện phía Gtel đã cho hay, khi đối tác có ý định nhượng lại cổ phần, họ cho rằng đây là cơ hội tốt cho Gtel. Dù không còn cùng “chung sức” với đối tác để đưa ra những chính sách phát triển như trước đây, song việc kế thừa những thành quả Beeline đạt được trong thời gian qua theo đại diện của Gtel sẽ tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh mới cho GTel Mobile.
“Dù cho có hoạt động dưới bất kỳ thương hiệu nào, điều quan trọng là mọi sản phẩm đã và sẽ cung cấp cho khách hàng vẫn đều là sản phẩm của Công ty GTel Mobile”. Và đó có lẽ là lời khẳng định khiến các thuê bao của Beeline yên tâm nhất sử dụng dịch vụ ngay cả khi nhà mạng có những thay đổi lớn khá lớn như vậy.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ cuối tháng 4-2012 tới giờ, không phải Beeline Việt Nam không “dính” phải những thông tin không có lợi cho họ. Cuối tháng 5 vừa rồi, loạt báo chí đã đưa thông tin Beeline Việt Nam đã phải cắt giảm tới 10% nhân sự của mình.
Cũng từ thời điểm đó, thị trường di động không còn thấy những chính sách khuyến mại “khủng” của Beelin Việt Nam nữa, mà chỉ đều đặn tặng 100% giá trị thẻ nạp vào mỗi ngày thứ 3 hàng tuần để giữ chân người dùng.
Nhiều ý kiến nhận định, việc “tự bơi” trên thị trường di động Việt vốn luôn cạnh tranh quyết liệt với khả năng phát triển thuê bao ngày một khó hiện nay khiến Gtel Mobile dù tuyên bố khá “cứng rắn” nhưng cũng phải có những phương án kinh doanh hợp lý mới có thể trụ vững.
Ở thời điểm này, có lẽ thách thức lớn nhất của họ chính là phải có một thương hiệu mới thay thế cho hình ảnh, tên tuổi của Beeline vốn đã giành được uy tín nhất định với người dùng Việt. Còn nhớ, vào cuối năm 2009, sau thời gian Gtel Mobile và đối tác ngoại của mình ra mắt mạng Beeline không lâu, thương hiệu này đã đạt được sự nhận biết lên đến 76% của người dùng Việt.
Thời gian để thương hiệu Beeline không còn có mặt tại thị trường Việt giờ chỉ tính bằng ngày. Chắc hẳn, lãnh đạo Gtel Mobile đã có một cái tên mới cho các đầu số di động 099, 0199 của mình. Biết đâu, cùng với thương hiệu mới, có thể đi kèm với đó là một sự "lột xác" thực sự để trở Gtel Mobile tiếp tục khẳng định mình trên thị trường di động Việt.