Bế tắc, NATO muốn rút chân khỏi vũng lầy Libya

01/05/2011 06:07

Trước nguy cơ thế bế tắc kéo dài, NATO dường như ngày càng mong muốn tiêu diệt Tổng thống Muammar Gaddafi để có thể sớm thoát ra khỏi vũng lầy ở đất nước Bắc Phi.




Sự xuất hiện bình thản của ông Gaddafi một ngày sau khi NATO tấn công
 dinh thự của ông như một lời thách thức đối với NATO


Khác với dự đoán cuộc chiến ở Libya sẽ có biến chuyển lớn với sự tham gia của “sát thủ bầu trời” Predator của Mỹ, tình hình chiến sự ở đất nước Bắc Phi tuần qua tiếp tục ở thế giằng co. Các cuộc giao tranh giữa quân nổi dậy và quân chính phủ Libya đã bớt căng thẳng hơn ở Misrata nhưng không vì thế mà tính chất khốc liệt của cuộc chiến này giảm đi. Quân của ông Gaddafi đã mở nhiều hướng tấn công hơn về phía phe nổi dậy và NATO tiếp tục tăng cường các cuộc không kích. Tuy nhiên, vẫn chưa có lực lượng nào bật hẳn lên và tình thế trên chiến trường Libya vẫn hoàn toàn ở thế bế tắc. Trước nguy cơ thế bế tắc kéo dài, NATO dường như ngày càng mong muốn tiêu diệt Tổng thống Muammar Gaddafi để có thể sớm thoát ra khỏi vũng lầy ở đất nước Bắc Phi.

Chiến sự Libya lan rộng

Nếu như trong tuần trước chiến sự ở Libya chủ yếu diễn ra ác liệt ở thành phố Misrata với các cuộc giao tranh căng thẳng và đẫm máu giữa quân nổi dậy và quân chính phủ thì tuần này, tình hình ở Misrata đã dịu đi rất nhiều. Tình hình ở Misrata giảm nhiệt có lẽ là vì quân chính phủ tuyên bố rút khỏi thành phố này để cho các lực lượng bộ tộc đối phó với phe nổi dậy. Tuy nhiên, phe nổi dậy lại khẳng định, các bộ tộc địa phương đứng về phía họ và phe nổi dậy tuyên bố họ đã đánh đuổi được hết quân chính phủ ra khỏi thành phố Misrata.

Mặc dù các cuộc giao tranh ở bên trong Misrata đã giảm cả về số lượng và tính chất khốc liệt nhưng ở khu vực ngoại ô, quân chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào phe nổi dậy. Trong suốt tuần, tiếng bom đạn nổ vẫn không ngớt ở xung quanh thành phố này.

Trên thực tế, phe nổi dậy ở thành trì chính Benghazi vẫn chưa hoàn toàn tin rằng lực lượng của họ đã giành lại được Misrata. Theo họ, Misrata rất quan trọng với thủ đô Tripoli nên ông Gaddafi không thể dễ ràng rời bỏ thành phố đó.

Dù chiến trường ác liệt nhất Libya là Misrata đã dịu lại nhưng không có nghĩa là cuộc chiến giữa quân chính phủ và phe nổi dậy đã giảm căng thẳng. Thay vào đó, cuộc chiến này lan rộng sang các khu vực khác chứ không chỉ tập trung vào Misrata như tuần trước. 

Trong những ngày qua, lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi đã thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các cứ điểm của phe nổi dậy ở phía tây và phía đông nam Libya. Các cuộc giao tranh ác liệt đã nổ ra ở quận đông nam xa xôi Kufra, gần biên giới Ai Cập; thành phố phía tây Zintan, gần biên giới Tunisia và một số thành phố khác ở khu vực miền núi phía tây như Yefrin, Kabau.

Như vậy, sau nhiều tuần quân chính phủ và phe nổi dậy chủ yếu chiến đấu với nhau ở các thành phố nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải thì nay cuộc chiến giữa hai bên bắt đầu lan rộng ra miền núi phía tây và khu vực hoang mạc tây nam.

NATO vùng vẫy trong vũng lầy ở Libya

Trong khi các cuộc đối đầu giữa quân của ông Gaddafi và phe đối lập tiếp tục diễn ra thì NATO tuần này cũng đã tăng cường các cuộc không kích. Mặc dù đã có sự góp mặt của những chiếc máy bay không người lái tối tân Predator của Mỹ cùng sự xung trận của thêm một loạt chiến đấu cơ Italia nhưng liên minh NATO vẫn bất lực trong việc phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến ở Libya. Liên minh quân sự phương Tây vẫn không thể bẻ gãy được sức chiến đấu của lực lượng trung thành với ông Gaddafi cũng như không giúp cho phe nổi dậy giành được chiến thắng áp đảo trước quân chính phủ.

Trước nguy cơ có khả năng bị mắc kẹt sâu trong vũng lầy ở Libya, các quan chức NATO đang ngày càng tỏ ra sốt ruột và mong muốn của họ trong việc tiêu diệt ông Gaddafi để sớm kết thúc cuộc khủng hoảng ở đất nước Bắc Phi chưa lúc nào lớn như lúc này.

Điều đó được thể hiện qua việc hồi đầu tuần, NATO đã tiến hành một loạt cuộc không kích dữ dội vào dinh thự của Tổng thống Gaddafi. Một văn phòng của Nhà lãnh đạo Libya đã bị san phẳng và nhiều người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc tấn công này. Tuy nhiên, một ngày đó, ông Gaddafi đã xuất hiện một cách đầy ngạo nghễ như một lời thách thức dành cho NATO. Điều này khiến NATO càng cảm thấy không thể “chịu đựng” được ông Gaddafi. Đó là lý do, trong những ngày qua, các nước phương Tây đã nói rất nhiều về vấn đề tiêu diệt ông Gaddafi.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, hồi đầu tuần cho rằng, cách nhanh nhất để chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay trên chiến trường Libya là “chặt đầu con rắn”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng không loại trừ khả năng dùng sát thủ bầu trời Predator để ám sát Tổng thống Gaddafi. Có tin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã đến Mỹ cách đây vài ngày để bàn kế hoạch tiêu diệt Nhà lãnh đạo Libya.

Có thể nói, tuần qua tiếp tục là một tuần đầy thất vọng với NATO. Việc NATO phải tính đến chuyện tiêu diệt ông Gaddafi dù trước đó họ luôn miệng khẳng định sẽ không làm thế đã chứng tỏ, liên minh này đang vùng vẫy trong tuyệt vọng để tìm cách sớm thoát ra khỏi vũng lầy ở đất nước Bắc Phi. 

Hải Yến (VnMe)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bế tắc, NATO muốn rút chân khỏi vũng lầy Libya