Chiều 10.5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.
* Ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về kinh tế
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, bế mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt nhất trí ban hành 3 Nghị quyết về: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phát huy vai trò then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự phát huy được vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới, có tính đột phá vừa được Trung ương nhất trí cao thông qua.
Đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản...
Cơ cấu lại, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp nói chung với chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế
Các đại biểu dự bế mạc. Ảnh: TTXVN
Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, đến nay đã "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 39% - 40% trong GDP; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
Trung ương yêu cầu: Thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách mới được khẳng định, kế thừa hoặc bổ sung, phát triển tại Hội nghị lần này. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện, tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Thường xuyên chăm lo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực...
Tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển (giữa), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương dự bế mạc. Ảnh: TTXVN
Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao với nội dung của báo cáo và khẳng định điểm mới của việc kiểm điểm lần này là đã gắn việc kiểm điểm công tác năm với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc tiến hành kiểm điểm đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản; diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình, cầu thị.
Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, với quyết tâm cao hơn để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, cụ thể hơn nữa, giải quyết có hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội; củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh do có khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, công tâm, nghiêm túc, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ba Nghị quyết chuyên đề về kinh tế được Trung ương ban hành tại Hội nghị này đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng và việc thi hành kỷ luật cán bộ được Trung ương đồng tình, nhất trí cao chắc chắn sẽ góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân ta, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tổng Bí thư đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương, theo cương vị công tác của mình, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương.
TTXVN
Hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Hội nghị Trung ương 5 tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng của nền kinh tế. KTTN không chỉ xác nhận vai trò mới mà còn mở ra cơ hội để khu vực này phát triển mạnh hơn.
Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển khu vực KTTN nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực thi. Một số chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, chưa lan tỏa rộng. Hầu hết doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa vẫn chưa thể tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị, ngoại trừ những công đoạn sử dụng lao động tay nghề thấp, giá rẻ...
Để phát huy vai trò của khu vực KTTN, theo tôi cần tạo đồng thuận xã hội trong cách nhìn nhận và đánh giá vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, định hướng xây dựng Nhà nước kiến tạo và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh, bảo đảm các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước cần tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trước mắt tập trung cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh (đất đai, vốn, lao động, công nghệ, điện năng). Đồng thời, giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản hợp pháp của doanh nghiệp; cải thiện kết nối để tăng khả năng tiếp cận thông tin cho khu vực KTTN.
Chính quyền các cấp cần chủ động đối thoại định kỳ với doanh nghiệp; áp dụng phù hợp các mô hình cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ KTTN tiếp cận nguồn vốn; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...
ĐOÀN VĂN NGHỆ Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương
Cần môi trường kinh doanh bình đẳng
Theo dõi Hội nghị lần này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi thấy vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân (KTTN) một lần nữa được khẳng định.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của nền KTTN. Từ thực tế kinh doanh những năm qua, tôi thấy những yếu kém này ngoài nguyên nhân chủ quan do các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chưa chủ động đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh còn do thiếu công bằng trong thực hiện các chính sách hỗ trợ DNTN.
Nhiều công trình, dự án, lĩnh vực kinh doanh lớn vẫn được giao cho doanh nghiệp nhà nước, trong khi DNTN đủ năng lực, điều kiện thực hiện lại không được tham gia. Đó còn chưa kể hàng loạt các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn… Nhà nước vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước hơn là DNTN. Đội ngũ DNTN “chậm lớn” một phần do không được thụ hưởng kịp thời những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chúng tôi mong muốn, sau hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những quyết sách cụ thể để DNTN được đối xử công bằng. DNTN có một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, góp phần thúc đẩy nền KTTN nước ta phát triển mạnh mẽ.
NGUYỄN THỊ BÌNH Chủ Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (Kinh Môn)
|