Đứng cạnh ruộng lúa, bà Thanh than thở: Ruộng lúa đang lên xanh thì đã bị chuột phá. Nhìn mảnh ruộng bị chuột cắn nham nhở mà tiếc công sức mình bỏ ra.
Thấy bà Thanh nói vậy, ông Khanh đứng gần đó liền khuyên:
- Chuột đầy đồng như thế mà từ lúc cấy xong nhà bà không dùng phương pháp nào để diệt à?
- Có chứ ông, từ dùng thuốc cho đến đặt bẫy nhà tôi đều làm hết rồi nhưng cũng không ăn thua gì cả. Có hôm đặt bốn góc 4 cái bẫy chuột, thế mà sáng ra chuột chẳng thấy đâu mà bẫy thì cũng "mất tích".
- Bà phải làm như nhà tôi đây này. Bảo đảm diệt chuột hiệu quả, dính con nào chết con ấy.
- Cách gì mà hay thế ông?
- Bà nghe tôi chặt lấy vài cọc tre nhỏ cắm quanh ruộng rồi dùng dây thép trần buộc vào cán cọc tre. Sau đó dùng dây điện nối với dây thép... Lúc nào cần bẫy thì cắm điện vào, không cần thì rút ra. Vừa đơn giản lại hiệu quả cao. Chỉ việc ung dung ngồi nhà chờ đến giờ là ra nhận xác chuột chết thôi.
- Ông cứ đùa. Tưởng ông có cách gì hay lắm chứ phương pháp này tôi cũng nghe nhiều rồi nhưng không dám làm. Ông không biết là dùng điện để bẫy chuột nguy hiểm thế nào hay sao mà còn làm vậy?
- Tôi làm cách này mấy ngày nay rồi có thấy nguy hiểm gì đâu?
- Ông không thấy đài, báo liên tục đưa tin về các vụ chết người vì bẫy chuột bằng điện đấy à?
- Tôi bẫy tôi tránh, làm sao mà chết người được?
- Ông biết nhưng những người khác đâu có biết. Chẳng hạn có người nào đấy đi thăm đồng hay đi soi ốc, soi cá buổi tối mà không biết nhà ông dùng điện bẫy chuột, rồi cứ thế đi vào có phải là thiệt mạng không. Dùng điện bẫy chuột ngoài đồng gây chết người tội không hề nhỏ đâu...
- Đến mức đấy cơ à? Thế phải làm sao bây giờ?
- Tôi tính sắp tới họp dân, chúng ta đề nghị tái thành lập tổ diệt chuột. Như vậy sẽ có hiệu quả hơn và lại đồng bộ, an toàn. Chứ mình làm thế này chỉ là biện pháp tình thế thôi.
- Vâng, tôi nghe bà. Để tôi về tháo hết dây điện ra, không dám dùng cách này để bẫy chuột nữa, không thì chuột chẳng bẫy được lại thành bẫy người thì khổ.
THANH GIANG