Bầu Kiên khẳng định nếu không vướng vào vụ án, tài sản của bị cáo đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng, bị cáo không thiếu tiền để phải đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên - ảnh T.L
Chiều 26-5, các luật sư tiếp tục xét hỏi các bị cáo và người liên quan trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Bầu Kiên khẳng định nếu không vướng vào vụ án, tài sản của bị cáo đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng, bị cáo không thiếu tiền để phải đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, đại diện ACB và Vietinbank vẫn đổ trách nhiệm cho nhau trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng.
Có mặt tại tòa, Huỳnh Thị Huyền Như luôn từ chối trả lời câu hỏi của các luật sư.
Hòa Phát biết cổ phần đã được thế chấp vẫn mua?
Nhằm làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán 20 triệu cổ phần đã thế chấp tại ACB cho công ty Thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỷ đồng như cáo trạng truy tố, luật sư đã đặt nhiều câu hỏi với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Theo bị cáo Kiên, bị cáo tin tưởng rằng ông Long (chủ tịch tập đoàn Hòa Phát) biết 20 triệu cổ phần đã được thế chấp cho ACB nhưng vẫn đồng ý mua: “Tôi với anh Long là bạn. Với trách nhiệm là chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, năng lực quản trị của anh Long, anh Long phải biết mọi việc cấp dưới của mình làm vì bất cứ lý do gì, tôi hoàn toàn tin anh Long biết".
Về khoản tiền 264 tỷ, Bầu Kiên cho rằng “tôi không có nhu cầu tiền để chiếm đạt số tiền 264 tỷ của Thép Hòa Phát, tôi không thiếu tiền để phải chiếm đoạt tiền của người khác. Thứ 2, tôi không thể chiếm đoạt tiền của Tập đoàn Hòa Phát vì đạo đức nghề nghiệp tôi không cho phép".
Bị truy tố 2 hành vi, bị cáo Phạm Trung Cang đề nghị xem xét Tại phần xét hỏi chiều 26-5, bị cáo Phạm Trung Cang đã yêu cầu HĐXX và đại diện VKS xem xét lại việc bị cáo bị phục hồi điều tra về hành vi cùng với các thành viên trong HĐQT ACB thống nhất chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán gây thất thoát cho ACB 687 tỷ đồng. Tuy nhiên khi ban hành cáo trạng, VKSND tối cao đã truy tố bị cáo thêm hành vi thống nhất chủ trương ủy thác tiền gửi của HĐQT ACB gây thiệt hại cho ACB 718 tỉ đồng. Ông Phạm Trung Cang đã đề nghị HĐXX, Đại diện VKS xem xét vấn đề này. |
Theo bị cáo Kiên, xuyên suốt quá trình đàm phán chuyển nhượng cổ phiếu, bị cáo đã đề nghị ACB giải chấp số cổ phiếu này để sang nhượng cho Hòa Phát.
"Tôi luôn ý thức thực hiện các cam kết của mình, với tư cách là chủ tịch công ty, tôi đã yêu cầu ACB tổ chức họp với tôi về việc giải chấp. Sau nhiều lần, ACB đã họp với tôi về việc này. Hồ sơ của cơ quan điều tra hoàn toàn không có nội dung này. Ngay từ buổi đầu xét xử, tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung bút lục, cung cấp sổ tay của chị Đinh Ngọc Lâm, giám đốc ACB Thăng Long về cuộc họp yêu cầu giải chấp cổ phiếu.” - Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên hỏi: Trong trường hợp ACB không giải chấp 20 triệu cổ phiếu, anh có phương án không hay dừng lại ở đó?
Bị cáo Kiên trả lời: Nếu anh Long không phải là bạn tôi, nếu tập thể lãnh đạo Hòa Phát không phải là bạn tôi, tôi có thể xác định ngay với cơ quan điều tra tôi là bị hại trong trường hợp mua bán cổ phiếu giữa Công ty một Thành Viên Thép HP và ACBI. Vì công cổ phần Thép Hòa phát đã tự động xác nhận việc chuyển nhượng khi không đủ điều kiện.
Công ty MTV Thép Hòa Phát đã đăng kí sở hữu cổ phần ngay khi chưa chyển tiền cho công ty ACBI. Là chủ tịch, tôi ý thức việc kiện bạn bè hay tố cáo người khác lừa đảo là hành vi nghiêm trọng. Suốt 21 tháng qua, tôi không tố cáo.
Ở cơ quan điều tra, tôi chỉ nói quá trình thực hiện hơp đồng có sai sót của anh Dương trong việc chuyển nhượng. Trên thực tế, tôi có thể kiện Thép Hòa Phát khi chưa chuyển tiền mà đã sang nhượng cổ phần của ACBI khi chưa được sự đồng ý của chúng tôi. Tuy nhiên đây không phải là vụ kiện hình sự mà chỉ là một sai sót rất nhỏ trong việc thực hiện hợp đồng”.
Cũng theo bị cáo Kiên: “Tôi thấy không cần thiết phải đổ trách nhiệm cho nhau về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì chúng tôi không gian dối, không lừa đảo trong việc chuyển nhượng cổ phần. Hơn 30 năm kinh doanh, tôi không có bất cứ khó khăn tài chính này, nếu không bị dính vào vụ án này, tài sản của tôi có thể lên tới nhiều ngàn tỷ đồng”.
Ông Trần Đình Long (chủ tịch tập đoàn Hòa Phát) tại phiên tòa chiều 26-5 - Ảnh: T.L |
ACB và Vietinbank tiếp tục đổ trách nhiệm cho nhau
Trả lời các luật sư, đại diện Ngân hàng ACB có mặt tại tòa một lần nữa khẳng định 19 nhân viên ACB giao dịch gửi tiền với Vietinbank chứ không giao dịch với Huyền Như.
“Chúng tôi cho rằng lỗi và nguyên nhân trực tiếp là do Huyền Như làm giả chữ ký chủ tài khoản, do Vietinbank thiếu kiểm soát, cho vay trên hồ sơ giả của khách hàng.”- Vị đại diện này nói
Trả lời câu hỏi của luật sư vì sao chưa thu được 718 tỷ đồng mà ACB lại cho là không thiệt hại trong vụ án này, đại diện ACB cho biết “Số tiền này chúng tôi chưa thu được nhưng chúng tôi đã có yêu cầu Vietinbank hoàn trả số tiền này. Vì vậy không yêu cầu với các bị cáo”.
Chi tiết phần hỏi đáp giữa luật sư và đại diện ACB như sau:
"Vì sao ACB không yêu cầu Huyền Như và các bị cáo trong vụ án này phải có trách nhiệm với khoản tiền này?"
- Chúng tôi cho là quan hệ hợp đồng giữa các nhân viên ACB và Vietinbank, còn hành vi chiếm đoạt của Huyền Như là chiếm doạt của Vietinbank nên chúng tôi chỉ xác định trách nhiệm của Vietinbank theo hợp đồng- Đại diện ACB trả lời.
Khi xảy ra sự việc tày đình như vậy, ACB có xem xét quy trách nhiệm, có một hình thức kỷ luật nào với các bị cáo là cán bộ nhân viên của ACB?
- Như tôi đã nói chúng tôi xem xét việc này là trách nhiệm của Vietinbank nên không đặt vấn đề này.
ACB có cho rằng các bị cáo cố ý làm trái… gây thiệt hại cho ngân hàng không?
- Vấn đề này không thuộc thẩm quyền của ACB nên chúng tôi xin phép không trả lời.
Trong khi đó, có mặt tại tòa, đại diện Vietinbank cho rằng “không biết tiền của ACB gửi vào Vietinbank”
Khách hàng đã gửi vào Vietinbank, đã hạch toán vào khách hàng, tài khoản hợp pháp có nhiều giấy tờ xác nhận của phó tổng giám đốc, tổng giám đốc, đã trả lãi mấy chục tỷ đồng. Các anh bảo không biết, vậy giấy tờ, con số không thể hiện điều gì?
- Ở đây tất cả khoản tiền gửi trên tài khoản thanh toán, căn cứ vào quy định pháp luật, thì người phải theo dõi số dư là chủ tài khoản. Các cá nhân của ACB buộc phải biết tiền vào, tiền ra lúc nào.
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Các Tổ chức Tín dụng thì tài khoản thanh toán là một loại tài khoản tiền gửi, tại khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi là như nhau, trách nhiệm là như nhau. Vậy xin hỏi nhận tiền gửi khách hàng, có lợi hay hại cho Vietinbank?
- Đề nghị luật sư hỏi lại.
Giao dịch nhận tiền gửi thì có lợi hay hại cho Vietinbank?
- Tôi nói nốt câu trả lời của câu hỏi cũ, tiền gửi thanh toán là để thanh toán, tiền gửi tiết kiệm là để lấy lãi. Nếu xác định gửi tiết kiệm thì các cá nhân của ACB buộc phải lấy thẻ tiết kiệm, khi tất toán phải nộp thẻ mới lấy được tiền. Việc nhận tiền gửi đương nhiên là hoạt động của mọi ngân hàng, ngân hàng nào cũng có quyền huy động rồi cho vay nhằm mục đích kinh doanh. Có lợi cho cả người gửi, cả ngân hàng.
- Tức là ngân hàng không có thiệt hại, bất lợi gì trong việc nhận tiền gửi này. Nếu như người dân, khách hàng mua cổ phiếu của Vietinbank thì giữ cổ phiếu, mua trái phiếu thì giữ trái phiếu, gửi tiết tiệm giữ thẻ tiết kiệm, gửi chứng chỉ tiền gửi thì giữ chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng kỳ hạn thì giữ hợp đồng.
Ngày 23-5, tại phiên tòa, ông khẳng định 32 hợp đồng mà nhân viên ACB gửi vào Vietinbank chỉ là mang tính nguyên tắc. Vì sao nhận tiền gửi của 17 nhân viên lại phải ký tới 32 hợp đồng nguyên tắc?
- Do thỏa thuận giữa 2 bên với nhau và ở đây là thỏa thuận Huyền Như và Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Tất nhiên là Vietinbank không thể biết được.
Ngoài khoản 718 tỷ đồng của ACB còn nhiều khoản khác tương tự giao dịch qua Huyền Như và đã được tất toán. Vậy tiền gốc, lãi là tiền của Huyền Như hay của Vietinbank?
- Không riêng gì các khoản tiền gửi của ai đó, mà của bất kỳ người nào nếu là giao dịch hợp pháp thì cả gốc và lãi đều do ngân hàng chi trả
Nếu là tiền của nhân viên của ACB gửi vào Vietinbak mà không được Huyền Như rút ra thì đến ngày hôm nay có an toàn không, còn nguyên không?
- Luật sư lại dùng từ nếu. Ở đây tôi khẳng định mọi giao dịch bất hợp pháp chắc chắn không an toàn. Vì gửi tiền vào ngân hàng thì làm sao gửi tiền ngày hôm nay lại nhân ngay hơn chục tỷ đồng tiền chênh lệch mà lại là tiền túi của cá nhân Huyền Như.
Ngày 23-5, ông khẳng định chắc chắn Vietinbank không bao giờ nhận tiền gửi vượt trần lãi suất. Vậy ông có thừa nhận Vietinbank huy động vượt trần lãi suất của Bảo hiểm tiền gửi với lãi suất 30,79 tỷ đồng theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trước Quốc hội?
- Ngoài phạm vi vụ án, tôi không trả lời.
Ông có thể giải thích vì sao có sự mâu thuẫn 180 độ giữa các văn bản của Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc Vietinbank có trong hồ sơ ký tên đóng dấu xác nhận đàng hoàng, rằng tiền vào hệ thống, đã vào tài khoản đã trả lãi, hoàn toàn hợp pháp ? Ông nói trước phiên tòa rằng hợp đồng là hợp pháp, thủ tục hợp pháp, con dấu hợp pháp, chữ ký hợp pháp. Vậy vì sao có mâu thuẫn, trái ngược với ý kiến của ông Phạm Huy Hùng nói rất nhiều lần trước dư luận, báo chí rằng tiền không vào tài khoản, không vào hệ thống. Chứng tỏ ông Hùng nói sai?
HĐXX ngắt câu câu hỏi của luật sư vì câu hỏi không thuộc phạm vi vụ án.
18g tòa tạm nghỉ. HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi.
Sáng 26-5, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Huỳnh Thị Huyền Như liên tục từ chối trả lời Tại phần xét hỏi, nhiều luật sư đã đặt câu hỏi với Huỳnh Thị Huyền Như (Nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP. HCM) về hành vi chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB. Đáp lại, Huỳnh Thị Huyền như nhiều lần trả lời “không biết”, “không nhớ” và “đã khai tại cơ quan điều tra” - Khách hàng là cá nhân của ACB gửi tiền vào Vietinbank hay cho cá nhân chị ?- Luật sư đặt câu hỏi. - (Im lặng) - Khách hàng gửi hàng trăm tỷ đồng thì họ gửi tiền vào Vietinbank hay gửi cho cá nhân chị ? - (Im lặng) - Chị có hiểu câu hỏi không ? - Tôi chỉ biết là cá nhân này giao dịch gửi tiền với tôi thôi. - Giao dịch gửi tiền và gửi tiền là khác. Chị đã làm thẻ tiết kiệm theo thỏa thuận giữa các cá nhân này với Vietinbank hay tự ý làm ? - Tôi đã trả lời, tôi xin phép không trả lời. - Có sự mâu thuẫn ghê gớm giữa lời khai tại phiên tòa và bút lục HĐXX đề nghị tòa không giải thích - Các nhân viên ACB có ký lệnh chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi hoặc ký hợp đồng cầm cố không ? - Tôi đã khai trong hồ sơ vụ án. - Tức là không. Ngoài việc làm giả các thẻ tiết kiệm để rút tiền, chị còn làm cách gì khác để rút tiền? - Tôi đã trả lời HĐXX - Nếu chị không làm giả 2 hồ sơ tiền gửi giả thì vẫn có thể rút tiền đúng không? - Tôi không trả lời câu hỏi của luật sư - Trong phiên toà, chị nói chị có ý định lừa đảo rút tiền từ trước nhưng tại BL chị khai: thực ra lúc đầu tôi không có ý định dùng vào mục đích cá nhân gì nhưng khi phát sinh nhiều khoản nợ. Chị biết lời khai nào đúng? - Tôi không biết luật sư đề cập đến lời khai nào, trước HĐXX tôi xác nhận các hành vi vi phạm pháp luật của mình và rất rõ khai tại cơ quan điều tra. |
TÂM LỤA (Tuổi trẻ)