Những hiện vật "biết nói" về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau ngày thống nhất

24/04/2021 12:04

Những hiện vật về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh giúp hình dung được phần nào không khí “ngày hội non sông” sau khi Bắc - Nam sum họp một nhà.


Thẻ cử tri của cuộc Tổng tuyển cử năm 1976

45 năm trước, ngày 25.4.1976, cùng với cử tri cả nước, cử tri Hải Dương đã hăng hái đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của nước Việt Nam thống nhất sau gần 1 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. 

Nhiều thông tin giá trị

Tháng 5 này, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp - ngày hội toàn dân” với hơn 200 tài liệu, hiện vật về các cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Trong số đó, nổi bật là 18 hiện vật về cuộc Tổng tuyển cử (TTC) bầu ĐBQH năm 1976 với ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là năm đầu tiên non sông thu về một mối. Đó là: Thông báo của Ủy ban Hành chính tỉnh ra ngày 1.3.1976 về danh sách Ban bầu cử ĐBQH, việc thống nhất các khu vực bầu cử tỉnh; Chỉ thị số 07 CT/TƯ ngày 7.2.1976 về việc tăng cường lãnh đạo cuộc TTC; Tài liệu nói chuyện về TTC do Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hải Hưng ấn hành năm 1976; Tài liệu giải thích về ngày bầu cử do Ty Thông tin Hải Hưng ấn hành năm 1976; danh sách người ứng cử, danh sách cử tri, tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên, phiếu bầu, thẻ cử tri, khẩu hiệu, báo chí…

Qua các hiện vật lịch sử, có thể thấy cuộc TTC ở tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn trọng. Việc tuyên truyền về cuộc TTC diễn ra rộng khắp trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tuyên truyền trực quan. Trong Tài liệu giải thích về ngày bầu cử do Ty Thông tin Hải Hưng ấn hành năm 1976 có đoạn: "Nhân dân ta là những người chủ thật sự của đất nước. Toàn bộ quyền lực nước ta đều thuộc về nhân dân. Nhà nước ta là do nhân dân bầu ra và là công cụ để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. TTC là sinh hoạt dân chủ thông qua đó nhân dân sử dụng quyền làm chủ tập thể để bầu ra Nhà nước của chính mình và Nhà nước đó không có nghĩa vụ nào khác là phục vụ nhân dân".

Các hiện vật cung cấp nhiều thông tin có giá trị về cuộc TTC năm 1976 tại Hải Hưng (cũ) như toàn tỉnh có 4 khu vực bầu cử ĐBQH và được bầu 20 đại biểu. Ban bầu cử tỉnh có 36 đồng chí. Đặc biệt, hiện vật phiếu bầu cử của các cử tri khu phố Quang Trung thể hiện một trong những thành công của cuộc TTC khi có 100% số cử tri đi bầu. Cả tỉnh có 1.927 phòng bỏ phiếu với 903.731 cử tri đi bầu cử, đạt 99,14%; 14 huyện, thị xã có từ 99 - 100% số cử tri đi bầu.


Học sinh tham quan Bảo tàng tỉnh

Nỗ lực sưu tầm

Qua các hiện vật lịch sử, người xem phần nào hình dung được không khí “ngày hội non sông” của cuộc TTC đầu tiên khi Bắc - Nam sum họp một nhà. Ông Nguyễn Danh Nhiệm, đảng viên 55 tuổi Đảng ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) cho biết: “Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ cổ động năm đó được tuyên truyền rộng khắp: Mỗi lá phiếu bầu là mảnh thép dựng non sông/Phiếu bầu cho ai? Cho người say xã hội, cho đất nước non hồng. Ai ai cũng háo hức đến ngày bầu cử để chọn ra người xứng đáng đại diện cho nhân dân, góp phần dựng xây đất nước”.

Theo ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thời kỳ này, tỉnh chưa thành lập được bảo tàng, việc sưu tầm các tư liệu, hiện vật do Phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Hải Hưng phụ trách. Đến năm 1978, sau khi đi học tại Hà Nội về, ông Hoành được cấp trên giao phụ trách công tác sưu tầm các tư liệu, tài liệu tổng hợp tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, lịch sử, xây dựng chính quyền… tại tỉnh ta để từng bước xây dựng Bảo tàng tỉnh. Nhiều tư liệu, tài liệu về cuộc TTC năm 1976 được sưu tầm trong giai đoạn này. Để sưu tầm được các hiện vật, tư liệu cũ, các cán bộ nghiên cứu sưu tầm của Phòng Bảo tàng đã rất vất vả. Ông Hoành cùng những người khác phải lập danh sách ĐBQH các khóa trước để xin lại tư liệu, tài liệu, hiện vật, hình ảnh về các cuộc bầu cử. Ngoại trừ các ĐBQH ở tỉnh ngoài hoặc ở quá xa, các cán bộ làm công tác bảo tàng đã cố gắng đến nhà từng người. “Thời điểm đó việc sưu tầm khó chồng khó. Đi lại khó khăn, kinh phí cho công tác lưu trữ, sưu tầm hạn chế, hiện vật không có kho lưu trữ mà phải để nhờ ở đình Quý Dương (Cẩm Giàng), dù vậy chúng tôi vẫn hết sức nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hoành nhớ lại.

Nhờ nỗ lực của các cán bộ nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh, những hiện vật còn lại ngày nay đã cho thấy một phần giai đoạn lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Ôn lại những chặng đường lịch sử qua những hiện vật trong cuộc TTC năm 1976, nhân dân ta càng thêm tự hào và nhận thức sâu sắc về giá trị và ý nghĩa to lớn của cuộc TTC, nhất là trước thềm bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới.

NGUYỄN LIÊN - VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những hiện vật "biết nói" về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau ngày thống nhất