Những năm gần đây, nhiều người dân ở TP Chí Linh đã thắp đèn điện để kích thích thanh long ra quả trái vụ.
Ông Nguyễn Văn Xuyên ở thôn Hố Giải (xã Hoàng Hoa Thám) thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng cây thanh long và bán cành giống
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Cao Văn Hào, Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh cho biết thành phố là một trong những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất trong tỉnh. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng đất đồi khô cằn thành những vườn thanh long xanh mướt.
Nếu như giai đoạn 2009-2016, diện tích trồng cây thanh Long ở TP Chí Linh chỉ khoảng 30 ha, thì đến năm 2019 diện tích đã lên tới 150 ha, tập trung nhiều ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An; các phường Hoàng Tân, Bến Tắm...
Ông Nguyễn Văn Xuyên ở thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám là hộ đi đầu trồng cây thanh long ở TP Chí Linh. Ông Xuyên cho biết: “Mỗi năm, thanh long có thể cho thu hoạch từ 10 - 12 lứa. Nhà tôi có khoảng 600 trụ cây thanh long, năng suất đạt hơn 10 tấn/năm. Mỗi năm, gia đình tôi lãi từ bán quả thanh long và cành giống được khoảng 200 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Tám ở khu Trại Gạo, phường Bến Tắm mới trồng thanh long được hơn 3 năm trở lại đây. Ông cho biết vào dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ thanh long khá cao, có lúc không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Nhà ông Tám có hơn 1.300 trụ cây thanh long, mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 20 tấn quả. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ông Tám đã lãi hơn 200 triệu đồng.
Ngoài ông Xuyên, và ông Tám còn nhiều hộ dân khác đang tích cực đầu tư mở rộng diện tích cây thanh long.
Giải pháp mới
Nhiều hộ dân trồng thanh long ở TP Chí Linh thắp điện ban đêm để kích thích cho cây ra hoa trái vụ
Để đáp ứng nhu cầu thị trường thanh long quanh năm, đồng thời nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh của loại cây trồng này, nhiều người trồng thanh long ở TP Chí Linh đã thắp bóng đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ.
Thời gian thắp sáng từ 6 - 8 giờ/đêm, kéo dài hơn 10 đêm. Nếu mùa đông lạnh và trờ tối nhanh thì thời gian thắp đèn nhiều hơn. Sau khi ngừng thắp điện từ 3 - 5 ngày, cây thanh long bắt đầu ra nụ.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho rằng áp dụng biện pháp thắp đèn để cho thanh long ra quả trái vụ là một chuyện nhưng dùng loại bóng nào tiết kiệm điện mà lại mang lại hiệu quả cao thì lại là câu chuyện khác.
Ông Xuyên cho biết gia đình ông đã áp dụng giải pháp này từ năm 2016 và sử dụng nhiều loại bóng đèn sợi đốt 60W, bóng đèn Led 10W, bóng halogen, compact…
Kết quả cho thấy bóng đèn Led 10W mang lại nhiều ưu việt và hiệu quả hơn. Sử dụng loại bóng đèn trên có thể tiết kiệm khoảng 50% điện năng, tỷ lệ ra hoa cao hơn so với dùng bóng điện compact CFL - 20W thông thường.
Đồng quan điểm với ông Xuyên, ông Tám cho biết bóng đèn Led bền, nhẹ và chịu sự va chạm tốt nên giảm tỷ lệ bóng hư hỏng, giúp tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, bóng có kết cấu đơn giản nên dễ đấu nối, sử dụng.
Gia đình ông Tám đang thắp khoảng 1.300 bóng điện Led 10W cho hơn 1.300 trụ cây thanh long. Vườn cây thanh long không thắp sáng điện ban đêm thì từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau không ra quả.
Thanh long trái vụ cho lãi cao hơn nhiều so với thanh lanh chính vụ. Quả thanh long chính vụ giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg thì trái vụ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ và khảo nghiệm giống (Sở Khoa học và Công nghệ), ứng dụng đèn Led chuyên dụng kích thích cây thanh long ra hoa là một giải pháp mới, giúp người trồng thanh long tiết kiệm điện năng, tiết kiệm chi phí.
THẾ ANH