Đê điều, ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho đồng ruộng, làng mạc, khu công nghiệp và đô thị, còn là thảm cây thuốc Nam phong phú, đa dạng và quý giá.
Cây thuốc trên thân đê phía sông phát triển rất tốt
Để thẩm định giá trị ấy, ngày 9.9, tại đền Bia, xã Văn Thai (Cẩm Giàng), lớp học "Cây thuốc Nam" do thầy Nguyễn Anh Tuấn chủ trì đã tổ chức hội thảo về cây thuốc Nam ngoài hoang dã và sau đó nhận dạng, lấy mẫu ngay trên đoạn đê của xã gần đền Bia. Hơn chục người trong đoàn mới khảo sát được khoảng nửa km ven đê và trên đê nhưng thật bất ngờ đã thu thập được số lượng cây thuốc đáng kể. Đó là các cây dây đau xương, lõi tiền, lồng đèn, bạc thau, thầu dầu tía, chìa vôi, bán hạ, mần trầu, phèn đen, rau sam, cỏ xước, lá lốt, đơn buốt, giềng dại, kinh giới, nho dại, lược vàng, cau dai, nhọ nồi, ngải cứu, cây bó xương, thanh táo, ráy dại, thiên niên kiện, bán hạ, túc cốt đằng, mào gà trắng, dướng đực, dướng cái, thanh tương tử, xuyên chi hoa... Các cây này đã được lấy mẫu để xử lý nhằm hình thành bộ "Bách thảo" về cây thuốc trên đê.
Đặc biệt hôm ấy, chúng tôi vô tình gặp một tổ tìm cây thuốc gồm 9 phụ nữ. Các chị chỉ cắt một cây thuốc Nam đặc biệt, chất thành đống, phơi nắng, rồi chở về cho một cơ sở tư nhân làm thuốc với tiền công 120.000 đồng mỗi ngày.
Chắc sẽ có nhiều người nghĩ cây trên đê sẽ cằn cỗi vì đất bị nén chặt và khô hạn. Nhưng thực tế cho thấy chỉ thân đê phía đồng ruộng là đúng như thế, chỉ các cây thuốc Nam chịu hạn mới sống được. Còn thân đê phía sông thì hoàn toàn khác. Nhờ nước sông tưới ẩm quanh năm, lại thêm phù sa vào mùa mưa lũ nên đất thân đê luôn màu mỡ giúp cây phát triển tốt. Nhiều tuyến đê có tre chắn sóng, làm giá thể tự nhiên cho nhiều dây leo có nguồn gốc từ cây thuốc Nam phát triển.
Chuyến khảo sát kết thúc, học viên lớp học nhận biết thêm nhiều cây thuốc Nam mới. Phải chăng xưa kia chính Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã thu lượm các cây thuốc Nam như thế để chữa bệnh, rồi từ kinh nghiệm ấy đã viết nên tác phẩm "Nam dược thần hiệu", vì địa điểm tìm cây thuốc ngay cạnh đền Bia và rất gần với quê hương Thiền sư.
Thảm thực vật trên các triền đê được bảo vệ nghiêm ngặt qua nhiều đời, có thể coi như "rừng nguyên sinh" của các cây thuốc Nam. Do đó, cần có một dự án khảo sát cẩn thận các đoạn đê trong tỉnh để tìm ra một vùng giàu cây thuốc Nam nhất nhằm bảo vệ, rồi trồng bổ sung thêm cho hoàn chỉnh, làm kho thuốc Nam dự trữ, cũng là nơi tham quan du lịch theo hướng sinh thái và bảo vệ sức khỏe.
NGUYỄN VĂN KHANG