Tại châu Á, đảo quốc nhỏ bé Singapore là một hiện tượng phát triển thú vị. Do đó, việc một gương mặt lãnh đạo thế hệ mới của quốc gia này xuất hiện thu hút không ít sự chú ý và bàn tán.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Vương Thụy Kiệt
"Cởi mở, tiếp thu, tử tế, ăn nói nhẹ nhàng…" là những từ có cánh truyền thông Singapore dành cho Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat) - người được dự báo sẽ kế vị Thủ tướng Lý Hiển Long sau sự kiện ông được bổ nhiệm giữ chức trợ lý tổng thư ký thứ nhất Đảng Nhân dân hành động Singapore (PAP) hôm 23.11.
Và bên cạnh đó, các ý kiến đối lập quan ngại về bước thăng tiến nhảy vọt của chính khách 57 tuổi này.
Người ta tự hỏi liệu ông có siết chặt kiểm soát nền chính trị Singapore, có đủ khả năng đoàn kết nội bộ đảng PAP, hoặc có đủ sức khỏe đảm đương công việc sau lần đột quỵ năm 2016 không…
Cố thủ tướng Lý Quang Diệu, nhà đồng sáng lập Đảng PAP và là thân phụ ông Lý Hiển Long, chính là người vạch ra quy trình chọn lựa thủ tướng khi ông trao quyền lại cho ông Gô Chốc Tông (Goh Chok Tong) cách đây nhiều năm.
Hiển nhiên, "quy trình Lý Quang Diệu" là bí mật của PAP, nhưng nghe đồn nó khắt khe đến mức đôi khi người ta so sánh vui với cách các vị hồng y chọn ra Đức Giáo hoàng.
Một cách khái quát, một thế hệ bộ trưởng trẻ của Singapore sẽ chọn ra người lãnh đạo trong số họ, và thủ tướng đương quyền không được phép chen vào quyết định này!
Trong cả hai lần chuyển giao quyền lực trước của Đảng PAP, người thừa kế đã được xác định trước nhiều năm. Chỉ riêng lần này mất một thời gian kha khá công chúng mới nghe tên ông Vương Thụy Kiệt xướng lên.
Cho đến gần đây, nhiều người còn tưởng Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trấn Chấn Thanh (Chan Chun Sing) mới là người trở thành thủ tướng thứ 4 của Singapore.
Do quá trình lựa chọn được giữ kín, giới quan sát suy đoán sự ủng hộ trong PAP có thể đã nghiêng về phía ông Vương.
Ông Trần cuối cùng trở thành trợ lý tổng thư ký thứ hai của PAP. Cùng với ông Vương, đây là cặp đôi được chính trị gia lão luyện Gô Chốc Tông khen là "bổ trợ tốt cho nhau".
Bình luận về diễn biến chính trị Singapore, bà Bridget Welsh, nhà quan sát Đông Nam Á thuộc Đại học John Cabot (Rome, Ý), nhận xét "dàn lãnh đạo PAP mới là phe quyết định, thay vì Thủ tướng Lý Hiển Long, người được cho là thiên về Bộ trưởng Trần Chấn Thanh hơn".
Bà Welsh liệt kê vài thứ quan trọng cần theo dõi tiếp theo, bao gồm cách các ứng viên thủ tướng khác phản ứng ra sao sau khi bị loại, sức khỏe của ông Vương và hiệu quả điều hành nền kinh tế của ông trong vai trò bộ trưởng tài chính.
"Chưa ai trong số lãnh đạo thế hệ 4 trưng ra được các sáng kiến chính sách đột phá. Do đó quan trọng là họ phải chứng tỏ được bản thân, đưa ra được các chính sách thỏa mãn người dân Singapore, và họ cần làm điều đó thật nhanh", cựu chính khách Singapore Inderjit bình luận với Hãng tin Reuters.
"Nếu họ thất bại, niềm tin vào Đảng PAP sẽ suy giảm, và điều đó có thể thay đổi diện mạo chính trường Singpore", ông Inderjit bổ sung.
Theo Tuổi trẻ