Toà tháp chọc trời kỷ lục Việt Nam: Phận thảm siêu dự án

01/04/2019 09:28

Nếu như tòa nhà văn phòng HUD hay Vicem đã hình thành một phần thì nhiều PVN Tower hay tháp truyền hình đã biến mất khi còn trên giấy.

Tham vọng biểu tượng ngành

Khoảng tháng 7.2010, khi thị trường bất động sản đang vào thời kỳ sôi động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã thành lập Tổ xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam (PVN Tower) tại Hà Nội.

Dự án xây dựng tháp dầu khí trở thành một biểu tượng cho ngành dầu khí và cũng là công trình “có một không hai” - kỷ lục siêu dự án 102 tầng - tại Việt Nam.

Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương hợp tác xây dựng với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, riêng toà tháp dầu khí dự kiến có 102 tầng, cao 528m.

Dự tính, công trình "có một không hai này" sẽ hoàn thành năm 2014, trở thành một biểu tượng tự hào cho ngành dầu khí và thủ đô Hà Nội, tương tự như tòa tháp đôi của Malaysia.

Siêu dự án liên tục bị cắt ngọn

Tương tự, để triển khai dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD dành riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án khái toán lên tới 1,3-1,5 tỷ USD.

Theo dự kiến, khu vực trung tâm khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc ranh giới phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 14,1ha. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới với chiều cao 636m.

Tháp truyền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.

Biến mất trên giấy

Mặc dù hoành tráng, hai dự án cùng cung kết cục “chết yểu” khi còn trên giấy. PVN Tower đã giảm từ 102 tầng xuống 79 tầng và hiện tại là 44 tầng. Về số vốn, ban đầu là 1 tỷ USD, rồi giảm xuống 600 triệu USD và sau đó còn hơn 200 triệu USD.

Chủ mới của dự án là Công ty CP Đầu tư Mai Linh. Ngày 20.2.2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1208/QĐ-UBND chấp thuận Mai Linh là nhà đầu tư dự án.

Nhiều dự án tòa nhà chọc trời gặp thảm cảnh

Với tháp truyền hình, VTV và SCIC đều xin rút vốn đầu tư khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới cao 636 m. Theo VTV, đơn vị này cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình” và đề nghị “thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty”.

Còn SCIC chủ trương đưa Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án... không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC.

Không chỉ biến mất mà có dự án còn bị cắt ngọn khi còn ở trên giấy. UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận việc giảm chiều cao dự án Tháp SJC từ 54 tầng xuống còn 46 tầng. Đây là dự án nằm tại vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2005, nhưng đến nay, Tháp SJC vẫn chỉ là bãi đất trống.

Trước đây, vào năm 2005, dự án Tháp SJC được quy hoạch gồm 6 tầng hầm, 54 tầng cao với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Đến năm 2007, dự án Tháp SJC được chuyển cho chủ đầu tư mới là Công ty CP Sài Gòn Kim Cương. Đây là công ty liên doanh do nhiều công ty góp vốn sở hữu, trong đó Công ty SJC sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại là các doanh nghiệp khác.

DUY ANH (Vietnamnet)

(0) Bình luận
Toà tháp chọc trời kỷ lục Việt Nam: Phận thảm siêu dự án