Dự án khu dân cư mới xã Đoàn Tùng: Doanh nghiệp không triển khai được dự án

28/06/2019 15:40

Người dân đòi hỏi được thỏa thuận mức giá đền bù với chủ đầu tư Dự án khu dân cư mới xã Đoàn Tùng là không đúng quy định của pháp luật.


Gần 2 năm qua, chủ đầu tư chưa thể triển khai dự án khu dân cư mới xã Đoàn Tùng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Đã gần 2 năm kể từ ngày được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư (KDC) mới xã Đoàn Tùng (Thanh Miện), đến nay, Công ty CP Đầu tư DVS Việt Nam (Hà Nội) vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Người dân yêu cầu doanh nghiệp phải trực tiếp thỏa thuận nhiều nội dung trước khi bàn giao đất. Điều này có đúng quy định?

Đi cũng dở, ở không xong

Cuối năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KDC mới xã Đoàn Tùng, tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích quy hoạch 9,7 ha gồm hơn 3,5 ha đất ở, hơn 4,6 ha đất giao thông, còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, sân thể thao, thương mại dịch vụ. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 137,4 tỷ đồng, riêng kinh phí GPMB hơn 19,2 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, có 144 hộ dân bị thu hồi đất. Sau nhiều lần đối thoại, vận động, đến nay vẫn còn 45 hộ ở thôn Phạm Lâm chưa đồng thuận. Các hộ này đặt ra nhiều yêu cầu với nhà đầu tư, chủ yếu nhằm mục đích đòi tăng giá đền bù, được bố trí đất ở trong KDC mới, giữ lại đất để canh tác. Phần lớn các hộ này yêu cầu được gặp trực tiếp doanh nghiệp để thỏa thuận.

Bà Đào Thị Hoa đại diện cho các hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù cho biết: “Chúng tôi muốn doanh nghiệp phải đứng ra thỏa thuận, trả người dân 500 triệu đồng/sào ruộng nếu không phải bố trí đất ở trong KDC mới cho người dân bằng 10% diện tích đất bị thu hồi. Hoặc người dân có đất bị thu hồi được trả giá đền bù như thế nào thì phải được mua lại đất ở trong KDC với giá như vậy". Ngoài ra, các hộ còn đề nghị doanh nghiệp bồi thường giá trị hoa màu trong 2 năm qua và những năm tiếp theo do người dân không được canh tác.

Chính vì những yêu cầu trên mà gần 2 năm qua, dự án này vẫn bị tắc. Hiện còn khoảng 3 ha chưa GPMB nhưng lại nằm xen kẹp. Đầu năm 2018, chủ đầu tư được UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng, giao 69.182 m2 đất để xây dựng dự án theo quyết định được duyệt. Doanh nghiệp đã huy động phương tiện san lấp mặt bằng nhưng nhiều hộ dân tập trung cản trở. Trước thực tế trên, tháng 6.2018, UBND huyện Thanh Miện đã thông báo tạm dừng thi công cho đến khi hoàn thành GPMB.

Đại diện Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư DVS Việt Nam cho rằng nhà đầu tư đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ dự án này. Đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, trong khi dự án bị “treo” ảnh hưởng lớn tới kinh tế, hiệu quả đầu tư. Hiện nay, công ty không còn mặn mà thực hiện dự án nhưng vì đã trót đầu tư nên rơi vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong”.

Nhà nước thu hồi  đất

Theo điều 62 Luật Đất đai 2013, dự án KDC mới thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Điều 170 của luật này cũng quy định rõ nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là phải giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi. Như vậy, Công ty DVS Việt Nam không phải đứng ra thỏa thuận với người dân về các vấn đề liên quan đến thu hồi đất. Những đòi hỏi, yêu cầu của người dân như trên không có căn cứ pháp luật.

Liên quan đến giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà người dân đã yêu cầu, điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ đã quy định: giá đất cụ thể tính tiền bồi thường được xác định theo phương pháp điều chỉnh giá đất và UBND cấp tỉnh quyết định hệ số điều chỉnh áp dụng cho từng dự án tại thời điểm thu hồi. Điều 7 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định chi tiết trình tự xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất thực hiện theo quy định khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá đất phổ biến trên thị trường của từng vị trí đất.

Thực hiện các quy định này, trước khi trình phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp làm cơ sở tính tiền bồi thường GPMB để thực hiện dự án, UBND huyện Thanh Miện đã điều tra, khảo sát giá đất nông nghiệp tại xã Đoàn Tùng. Từ năm 2016 đến tháng 5.2017, UBND xã Đoàn Tùng không chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp nào. Không có hộ, cá nhân nào của xã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Ngoài ra, khoản 4 điều 1 Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 21.3.2017 của UBND tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2017 đã nêu rõ đất nông nghiệp không điều chỉnh hệ số. Như vậy, đơn giá bồi thường là 70.000 đồng/m2. Những căn cứ pháp luật trên là cơ sở tính tiền bồi thường GPMB khi Nhà nước thu hồi đất thuộc dự án KDC mới Đoàn Tùng.

Ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: “Dự án xây dựng KDC mới xã Đoàn Tùng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng xã trở thành đô thị loại V vào năm 2020". 

Với ý nghĩa như vậy, UBND huyện Thanh Miện và xã Đoàn Tùng cần tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Dự án khu dân cư mới xã Đoàn Tùng: Doanh nghiệp không triển khai được dự án