Bát cháo chia ba

18/09/2011 07:00

Hai đồng chí cảnh vệ đành phải lên… Bác sẻ bát cháo đặc chia ba phần đều nhau rồi nhận một bát ăn rất ngon lành.

Một chiều mùa hè năm 1952, Bác đến thăm Trường Tuyên huấn Chính trị Trung ương. Bấy giờ trường mới chuyển đến bản Lời, gần quán Vuông, Thái Nguyên.

Sau khi nói chuyện với học viên, Bác về “nhà khách”, một túp lều tre nứa, lợp lá gồi nghỉ đêm để sáng mai đi sớm.

Bí thư đảng ủy trường là đồng chí Võ Hồng Cương cùng đồng chí phụ trách bảo vệ trường đem chăn màn đến ngủ sát bên nhà, hẹn cùng dậy sớm lo bữa ăn sáng để Bác dùng trước khi lên đường, không biết về đâu, xa hay gần.

Bàn bạc mãi mới quyết định thịt một con gà giò “tăng gia” để nấu cháo (gà to sợ Bác phê bình, gà bé quá lại không đành lòng).

Hai quan “hỏa đầu quân” tán chuyện mãi, ngủ quên lúc nào không biết. Chẳng có giờ chính xác, nên cứ mổ gà sớm, vo gạo, đặt lên bếp. Khoảng gần một giờ sau, nồi cháo đã chín. Đồng chí Cương cời than ủ nồi cháo cho nhừ. Chờ mãi, chờ mãi, trời vẫn chưa sáng. Hai anh em không dám đi nằm, sợ ngủ quên bèn dựa lưng vào nhau gật gà, gật gù.

Bỗng đồng chí cảnh vệ của Bác lay lay. Bấy giờ “anh nuôi” mới choàng dậy. Nhìn vào nồi cháo thì ôi thôi cháo đã cạn. Không biết tính toán sao đây thì đồng chí cảnh vệ mách đồng chí Cương:

- Anh cứ mang bát cháo này lên, mời Bác dùng và bảo chúng tôi đã ăn dưới này với các anh rồi.

Bí thư mừng quá:

- Thật là sáng kiến…

Anh bưng tô cháo, một cái bát con, một thìa nhỏ và một lọ muối tiêu lên nhà khách. Bác hỏi:

- Còn hai chú kia đâu?

Đồng chí Cương thưa với Bác mưu mẹo đã bàn…

Bác cười bảo:

- Chú xuống lấy thêm cho Bác hai cái bát, hai cái thìa, rồi bảo hai chú lên ăn với Bác. Có nhiều ăn nhiều, còn ít ăn ít, cùng nhau ăn cho ấm bụng.

Bí thư đỏ mặt, đành nói dối tiếp:

- Thưa Bác hai đồng chí kia đang ăn.

Bác lại cười, lắc đầu nói:

- Cháo này các chú chắc ngủ quên, để cạn nên chỉ còn chừng này thôi. Chú gọi hộ Bác hai chú cảnh vệ đi.

Hai đồng chí cảnh vệ đành phải lên… Bác sẻ bát cháo đặc chia ba phần đều nhau rồi nhận một bát ăn rất ngon lành.

Đứng trong nhà khách, chủ nhà, cấp dưỡng, đồng chí Cương nhìn Bác mà nước mắt rưng rưng...

Bác muốn biết sự thật kia!

Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân. Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa, anh em cảnh vệ được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác. Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.

Chuẩn bị xong, anh em bảo vệ yên trí chờ đợi... Một lúc sau, xe Bác đến và dừng lại gần chỗ bảo vệ bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy, một đồng chí bảo vệ lúng túng gợi ý:

- Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!

Bác quay lại nói ngay:

- Đông gì? Các chú bố trí đấy! - Rồi Bác tiếp tục đi. Mấy bảo vệ anh nọ nhìn anh kia ngượng quá.

Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm, nên nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.

Lúc về nhà, Bác bảo anh em bảo vệ: “Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh “nông dân” mặt quần ka-ki đi gặt). Bác nói tiếp:

- Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!

(0) Bình luận
Bát cháo chia ba