Bất cập trong dạy nghề cho lao động nông thôn

29/08/2011 08:15

Việc tuyển chọn đầu vào không bảo đảm cộng với cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, yếu... dẫn đến chất lượng đầu ra thấp, người học không làm được việc...



Lao động nông thôn ở xã Nam Hưng (Nam Sách) học nghề tin học

Những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hải Dương đã được quan tâm hơn, ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng và công tác dạy nghề đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2006 - 2010, tỉnh ta đã dạy nghề cho hơn 68 nghìn lao động nông thôn, trong đó nhiều người có việc làm ổn định. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiện cũng có nhiều khó khăn, bất cập.

Cuối tháng 7-2011, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tứ Kỳ phối hợp với UBND xã Đại Hợp tiến hành kiểm tra đột xuất lớp dạy nghề may công nghiệp của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề Tứ Kỳ mở tại một nhà dân ở thôn Độ Trung. Số học viên theo quy định mở lớp là 36 người, nhưng khi kiểm tra lớp không có học viên nào. Sổ lên lớp, sổ tay giáo viên, giáo án lý thuyết, giáo án thực hành đều không có.

Hiện có nhiều trung tâm, cơ sở dạy nghề mở lớp dạy nghề không phù hợp với nhu cầu thực tế ở các địa phương, rõ nhất là dạy nghề tin học. Nếu dạy tin học nhằm mục địch “phổ cập” tin học cho bà con nông dân thì quá tốt, nhưng nếu dạy tin học mang tính chất là một nghề để có thể “kiếm cơm” cho bà con nông dân thì điều đó không khả thi. Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề Tứ Kỳ đang mở 2 lớp tin học tại xã Tứ Xuyên với 70 học viên. Phần lớn số học viên này có độ tuổi từ 30 đến hơn 50. Thời gian học nghề trong 3 tháng. Trong thời gian đó, các học viên sẽ được giảng viên của trung tâm giảng dạy về các kiến thức: Tổng quan về máy tính; soạn thảo văn bản với Microsoft Word; bảng tính điện tử Excell; internet và khai thác internet. Với từng ấy kiến thức, không hiểu các “bác” nông dân sau khi học xong có thể xin được việc làm được không?

Ở huyện Cẩm Giàng, các trung tâm, cơ sở dạy nghề chủ yếu dạy các nghề liên quan đến nông nghiệp, trong khi đó trên địa bàn huyện công nghiệp đang phát triển mạnh. Nhiều khu công nghiệp ra đời, rất cần lực lượng lao động có tay nghề về điện, cơ khí, hàn… nhưng những lớp dạy nghề này chưa mở nhiều ở đây.

Trong năm 2010 - 2011, có 13 lớp dạy nghề thêu hạt cườm, thêu ren được mở ở một số xã như Hưng Đạo, Quang Khải, Đại Hợp của huyện Tứ Kỳ. Theo đồng chí Vũ Văn Quân, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện, các địa phương này đều có làng nghề thêu truyền thống, nhiều lao động có trình độ tay nghề cao, vì vậy việc mở lớp dạy nghề thêu ở các địa phương này khác gì “múa rìu qua mắt thợ”.

Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các lớp, các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn ở các huyện Thanh Hà, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ… Kết quả cho thấy nhiều lớp dạy nghề không chấp hành nghiêm thời gian học, có lớp không đúng đối tượng dạy nghề. Sở đã yêu cầu hủy một số lớp dạy nghề trong đó có 7 lớp dạy nghề may công nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh)  mở tại các xã Việt Hồng, An Lương, Thanh Khê, Thanh Sơn (Thanh Hà), Tân Việt (Bình Giang), Thống Kênh, Đồng Quang (Gia Lộc). Sở Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu trung tâm tạm dừng tuyển sinh dạy nghề cho lao động nông thôn. Sở cũng chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kinh Môn, thị xã Chí Linh tiến hành kiểm tra các lớp dạy nghề nuôi thủy sản tại xã Thất Hùng và phường Chí Minh cũng do Trung tâm Giới thiệu việc làm (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh) mở. Trong thời gian tới, sở sẽ ra quyết định xử lý vi phạm ở 2 lớp may công nghiệp của Doanh nghiệp Thu Hằng, 2 lớp may công nghiệp của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề huyện Tứ Kỳ và 1 lớp may công nghiệp của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề Hải Dương.

Thực tế công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cho thấy việc tổ chức chiêu sinh lớp học khá ồ ạt, thậm chí không đúng đối tượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy nghề không bảo đảm. Việc thực hiện thời khóa biểu học nghề không đầy đủ. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề còn hạn chế, ngành nghề được đào tạo nội dung còn thiếu, sơ sài và chưa phù hợp với thực tế. Những lao động được đào tạo trong ngành công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản, dịch vụ có thời gian đào tạo ngắn, kiến thức mới chỉ dừng ở mức cơ bản, chưa có sự chuyên sâu. Vì vậy nhiều lao động qua đào tạo, truyền nghề chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Lao động tham gia các lớp dạy nghề đa phần đã cứng tuổi nên việc tiếp thu kiến thức còn chậm, hạn chế nên chưa đủ điều kiện để tự hành nghề đã học. Nhiều nghề học chưa gắn giữa lý thuyết với thực hành. Một số doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường nên một số nghề sau khi đào tạo lao động khó có cơ hội tìm được việc làm. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn yêu cầu các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn tạm dừng tuyển sinh các nghề: Tin học ứng dụng, kỹ thuật sửa chữa thiết bị máy lạnh - điều hòa không khí, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, quản trị mạng máy tính, nấu ăn, khách sạn nhà hàng… với chương trình đào tạo 3 tháng, nhằm bảo đảm mục tiêu của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương đến năm 2020: "bảo đảm tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt từ 70% trở lên".

Theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương đến năm 2020”, trong giai đoạn từ 2011 - 2015, Hải Dương phấn đấu đào tạo nghề cho 62.500 lao động nông thôn, trong đó có 20 nghìn người học nghề nông nghiệp, 42.500 lao động học nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi nghề. Giai đoạn từ 2016 - 2020, phấn đấu đào tạo nghề cho 65 nghìn lao động nông thôn, trong đó 15 nghìn lao động học nghề nông nghiệp, 50 nghìn người học nghề phi nông nghiệp.

 PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập trong dạy nghề cho lao động nông thôn