Đã 16 năm nay, xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn chỉ có một thôn. Và, có không ít bất cập nảy sinh ở xã gần như “độc nhất vô nhị” này.
Do chỉ có 1 thôn chung nên đến nay, xã Đông Kỳ vẫn chưa có làng văn hóa
Nhiều bất cậpTrước năm 1997, xã Đông Kỳ có 2 thôn là Toại An và An Nhân. Năm 1997, thực hiện Nghị định số 76/1997/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Tứ Kỳ, thôn An Nhân của xã Đông Kỳ đã được tách ra, sáp nhập với thôn La Tỉnh của xã Tây Kỳ để thành lập thị trấn Tứ Kỳ. Từ đó đến nay, xã Đông Kỳ còn lại duy nhất là thôn Toại An, với 926 hộ và gần 3.300 nhân khẩu. Năm 1998, để tiện cho việc quản lý, trên cơ sở 4 đội sản xuất, UBND xã Đông Kỳ đã chia thôn Toại An thành 4 khu dân cư (KDC) là Đông An, Nam An, Tây An và Bắc An. Mỗi KDC bố trí cán bộ làm việc như 1 thôn gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC, cán bộ các Chi hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, 1 công an viên, lực lượng dân quân tự vệ tương ứng…
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là xã phải tìm nguồn kinh phí để "nuôi" bộ máy ở các KDC. Do 4 KDC chỉ hưởng nguồn ngân sách của một thôn nên các hội, đoàn thể của KDC hầu như không có kinh phí để hoạt động. Chị Đỗ Thị Yêu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Kỳ cho biết: “Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3, ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20 - 10, hội đều chỉ đạo các chi hội ở các KDC tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng, nhưng do không có kinh phí nên không làm được. Các hoạt động chỉ tổ chức được ở xã. Đặc biệt, hội rất khó triển khai đồng loạt và thu hút đông hội viên tham gia vào các mô hình, câu lạc bộ... Vừa qua, hội xây dựng mô hình “Nữ công nhân đảm đang” nhưng mới thành lập được ở xã và chỉ có 30 chị em trong tổng số hơn 200 chị em đang làm việc cho các công ty tham gia. Do không tập hợp được nhiều chị em vào sinh hoạt nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ còn hạn chế”.
Hiện nay, do chưa được công nhận chính thức nên trưởng các KDC cũng gặp khó khăn trong việc lãnh đạo, điều hành. Hiệu quả công tác, trách nhiệm công việc của những chức danh khác không cao. Ông Phạm Văn Xuân, Trưởng KDC Đông An cho biết: “Từ năm 2000, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng KDC và thực hiện toàn bộ công việc như 1 trưởng thôn thực sự. Tuy nhiên, do không chính danh nên thiếu tính độc lập, tự chủ, dẫn đến không thể quyết định được nhiều công việc của KDC. Ngoài ra, các phương tiện, trang thiết bị cũng chưa được cung cấp đầy đủ, nhất là không có loa truyền thanh, khi có việc gì muốn triển khai đến toàn thể nhân dân, tôi lại phải ra nhờ Đài Truyền thanh xã, nhiều khi do bất tiện lại thôi”.
Thời gian qua, từ việc không phải là các thôn chính thống, việc phân định ranh giới, số lượng dân cư giữa các KDC chưa rõ ràng, cụ thể nên không phát huy được tinh thần thi đua phát triển kinh tế - xã hội. Bà Phạm Thị Tơ ở KDC Đông An cho biết: “Do chưa được công nhận thành thôn nên người dân thiếu nhiệt tình tham gia vào các hoạt động. Chúng tôi muốn làm đường giao thông, đường nội đồng to đẹp nhưng địa phận chưa rõ ràng nên không làm được”.
Vì chỉ có một thôn Toại An nên nhiều năm nay, xã Đông Kỳ không thể xây dựng được làng, KDC văn hóa. Hiện nay, xã Đông Kỳ là 1 trong 2 xã của huyện Tứ Kỳ còn “trắng” làng văn hóa. Vướng mắc chủ yếu là chưa có quy chế cụ thể, rõ ràng cho xã có một thôn xây dựng làng văn hóa. Nhiều năm nay, một số KDC của xã đã đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa nhưng không được chấp thuận. Nếu căn cứ trên các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa, hiện xã đã có từ 1 - 2 KDC bảo đảm yêu cầu.
Đề nghị tách thành nhiều thônTrước thực trạng đó, năm 2009, xã Đông Kỳ đã xây dựng phương án đề nghị chia tách thôn Toại An để thành lập 4 thôn mới. Phương án này được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của cử tri trong xã và đã được Đảng ủy, HĐND xã Đông Kỳ ra nghị quyết, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định. Ông Nguyễn Văn Điệp, Chủ tịch UBND xã Đông Kỳ cho biết, phương án tách thôn Toại An được xây dựng trên cơ sở 4 KDC hiện có, xã cũng đã xây dựng bản đồ của 4 thôn. Trong đó, thôn Đông An có diện tích 102,2 ha, gồm các hộ 3 xóm: Chương, Cương và Quyết. Thôn Nam An có diện tích 80,7 ha, gồm các hộ 2 xóm: Me và Mét. Thôn Tây An có diện tích 111,6 ha, gồm các hộ 3 xóm: Giữa, Chỗ, Đáy. Thôn Bắc An có diện tích 66,2 ha, gồm các hộ xóm Chùa. Mỗi thôn theo phương án chia tách có từ 157 - 250 hộ.
Ông Nguyễn Quang Bài, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Khi nhận được đề nghị chia tách thôn của xã Đông Kỳ, sở đã cử cán bộ về hướng dẫn quy trình, cách thức làm thủ tục, hồ sơ. Sau khi địa phương xây dựng hoàn chỉnh phương án chia tách thôn, sở về thẩm định nhiều lần và đồng ý với phương án chia tách. Năm 2009, sở đã làm tờ trình trình UBND tỉnh quyết định. Nhưng đúng thời điểm đó, tỉnh có chủ trương tạm dừng việc chia tách thôn, KDC. Và từ đó đến nay, tỉnh chưa đưa ra chủ trương giải quyết nào mới. Dựa trên điều kiện, nhu cầu thực tế và phương án đề nghị thì việc tách thôn của xã Đông Kỳ hoàn toàn phù hợp, tạo thuận lợi trong việc quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên hiện nay, theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, thời gian tới, tỉnh ta sẽ ban hành quyết định mới thay thế cho quyết định không còn phù hợp. Theo đó, xã Đông Kỳ sẽ phải làm lại hồ sơ theo những quy trình, quy định của văn bản mới. Trong đó, KDC Bắc An hiện có 157 hộ sẽ không đủ điều kiện thành lập thôn vì theo quy định mới là từ 200 hộ trở lên.
DANH TRUNG