Lịch sử thi cử Nho học ghi nhận, Hải Dương có số người đỗ đại khoa (tiến sĩ) cao nhất nước ở cấp tỉnh và cấp làng xã.
Mặt sau văn bia Hội Trí tri Hải Dương nằm trong Trường THCS Ngô Gia Tự
(TP Hải Dương) bị đất vùi đã hơn 10 năm
Những người đỗ đạt đó đã dấn thân trong việc xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều người được sử sách ghi nhận là danh nhân của đất Việt. Di sản văn bia về giáo dục in khắc chữ Hán Nôm ở các địa phương hiện còn cho ta biết nguyên nhân đạt được thành tích này có đóng góp quan trọng và thiết thực của khuyến học.
Nhưng năm qua, nhiều văn bia ở di tích lịch sử văn hóa (LSVH) và ở một số địa phương được dựng nhà kiên cố bảo vệ như: văn bia Chiêu nghi tự sự bi ký ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (Gia Lộc), văn bia Văn chỉ huyện Đường An ở xã Thái Học (Bình Giang), văn bia về tiến sĩ Nguyễn Danh Nho ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), văn bia ở Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), văn bia Chí Linh bát cổ ở xã Thanh Quang (Nam Sách). Khoảng 80% số văn bia này là về giáo dục và khuyến học. Qua tuyên truyền và được quan tâm bảo vệ, số lượt người ở địa phương và du khách đến tham quan, tìm hiểu thông tin tăng hằng năm. Những phản ánh trong văn bia về khuyến học có tác dụng tích cực đến công tác khuyến học hiện nay. Có văn bia phản ánh về lịch sử và công tác xã hội hóa giáo dục, về hội nhập giáo dục được các nhà nghiên cứu văn khắc Hán Nôm, nghiên cứu lịch sử xác nhận là có một không hai ở Hải Dương.
Tuy còn lại không nhiều nhưng hiện nay, một số văn bia khuyến học đang bị xuống cấp, không được quan tâm bảo vệ. Văn bia về Hội Trí tri Hải Dương hiện nằm trong khuôn viên Trường THCS Ngô Gia Tự thuộc phường Quang Trung (TP Hải Dương) thật thương tâm. Văn bia được để sát vào gốc đa cổ thụ, đứng cạnh mấy chiếc ghế đá. Hơn nửa mặt sau bia đang bị đất vùi. Hơn 10 năm trước, chúng tôi còn đọc được đầy đủ chữ viết, qua đó biết được đây là tấm bia duy nhất trong tỉnh ghi bằng 3 ngôn ngữ: Hán Nôm, tiếng Pháp, tiếng Việt hiện đại. Qua văn bia, biết được Hải Dương là tỉnh có truyền thống về giáo dục theo phương pháp cựu học nhưng cũng là tỉnh sớm đổi mới về phương pháp giáo dục đáp ứng yêu cầu của thời đại. Bia đá bị đất vùi, chữ viết trong văn bia sớm muộn cũng mất. Cũng lạ, ở một trường dạy chữ cho học sinh, người chủ nhân tương lai của quê hương đất nước nhưng di sản về văn hóa chữ viết lại không được quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị mặc dù đã được báo chí lên tiếng. Ở nhiều địa phương còn văn bia khuyến học như: từ chỉ thôn Hải Yến (xã Hồng Lạc, Thanh Hà), văn chỉ thôn Xạ Sơn (xã Quang Trung, Kinh Môn) cũng trong tình trạng "để thì thương". Ngay cả Văn miếu Mao Điền, nơi tôn vinh đạo học thì 2 tấm văn bia cổ cũng đang trong cảnh nằm lăn lóc trong nhà bia.
Văn bia in khắc chữ Hán Nôm về giáo dục là hiện vật nguyên gốc, nhiều văn bia là cổ vật. Hình chạm khắc ở đó như 1 tác phẩm nghệ thuật. Đó là di sản văn hóa được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ngày nay, trong văn bia khuyến học, hương ước của các làng trong tỉnh cũng cần ghi thông tin về sự tham gia của người dân, nhất là đội ngũ trí thức, những người có chữ nghĩa thành đạt trong chính trị, trong kinh tế, văn hóa, giáo dục tích cực đóng góp trí tuệ, tiền của, công sức để duy trì, chăm lo cho công tác khuyến học. Chính quyền và cơ quan chuyên môn cần quan tâm quản lý, kịp thời hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di tích khuyến học.
VĂN LỘC