Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định như thế khi đến thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam sáng 1-7.
Chủ tịch nước trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển - Ảnh: V.V.Thành |
Trong các cuộc làm việc này, Chủ tịch nước đã ghi nhận và biểu dương thành tích của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, nhất là trong suốt hai tháng qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch nước nêu rõ nhiệm vụ của Cảnh sát biển và Kiểm ngư liên quan đến giàn khoan trái phép nêu trên mang tính đột xuất gần đây, nhưng cũng sẽ là nhiệm vụ có tính lâu dài, tình hình có thể còn diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm khó khăn. “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng trong bất cứ tình huống nào”- Chủ tịch nước nói.
Tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ tịch nước đã giao lưu trực tuyến với lực lượng cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa. Chủ tịch nước bày tỏ xúc động khi lắng nghe các chiến sĩ cảnh sát biển đồng thanh bày tỏ quyết tâm không quản gian khổ, khó khăn hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì “đằng sau là hơn 90 triệu trái tim đồng bào trong và ngoài nước đang ngày đêm dõi theo”.
Chủ tịch nước phát biểu tại Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: V.V.Thành |
Chủ tịch nước nói thông qua những hình ảnh hoạt động của cảnh sát biển và kiểm ngư gửi về đất liền và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà con trong nước và dư luận quốc tế biết rõ những gian nguy mà các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam đang ngày đêm chịu đựng trước những hành động thô bạo của tàu Trung Quốc. “Những hành động thô bạo của tàu Trung Quốc là không thể thanh minh. Phía Trung Quốc đưa ra thông tin sai sự thật là tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần, nhưng tàu Việt Nam nhỏ và ít hơn tàu phía Trung Quốc thì làm sao đâm va ai được?” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước ghi sổ vàng lưu niệm của lực lượng cảnh sát biển- Ảnh: V.V.Thành |
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời đã hết sức kiềm chế trên cơ sở luật pháp quốc tế để giữ gìn hoà bình, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông. Lưu thông hàng hải quốc tế là nhu cầu mà nhiều nước kể cả Trung Quốc đều có, nếu có chuyện gì xảy ra ở vùng biển này thì không nước nào có thể phát triển được, không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc cũng không thể phát triển được. Chắc chắn là như vậy. “Chúng ta không muốn điều đó xảy ra. Chúng ta kiềm chế không phải nhu nhược, yếu hèn, mà thể hiện thái độ hoà hiếu, chính nghĩa với mục tiêu là bảo vệ bằng được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Trung Quốc và thế giới cần hiểu điều đó” – Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho biết tới đây Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư tàu và các trang thiết bị cần thiết cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư.
Trung Quốc bất chấp và thách thức dư luận Báo cáo với Chủ tịch nước, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan xuống vùng biển Việt Nam là “có chủ ý, trong một chiến lược thống nhất, toàn diện về biển Đông, được chuẩn bị và tính toán kỹ, lựa chọn đúng vấn đề, đúng đối tượng, đúng thời điểm, vị trí hạ đặt nhằm đạt nhiều mục đích: chủ quyền, chính trị, kinh tế..”. Để thực hiện mục đích này, Trung Quốc bất chấp và thách thức dư luận, sử dụng mọi thủ đoạn để bảo vệ giàn khoan, như kéo còi, chiếu đèn pha, chăng dây, phun nước, đẩy ủi, đâm va…làm hư hỏng nhiều tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và cả tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tính đến ngày 22-6 đã đâm va 36 tàu của ta 115 lần, trong đó có 5 tàu cảnh sát biển bị hư hại. |
Đ.BÌNH - V.V.THÀNH (Tuổi trẻ)