Thời gian khá dài của đời người cầm bút, tôi đã gắn với công việc của báo chí.
Nhà báo, nhà văn đều là người đi vào đời sống xã hội với sứ mệnh phản ánh, hướng dẫn, góp phần cải tạo đời sống xã hội - con người trong suốt tiến trình đổi mới của quê hương, đất nước.
Với những trang văn, cái thú của người nghệ sĩ sáng tạo là “quyền hư cấu”. Văn chủ quan hơn ở vai trò bộc lộ “cái tôi”, bộc lộ thái độ, tình cảm và tư tưởng của người cầm bút.
Với văn chương, bên cạnh hiện thực đời sống, người nghệ sĩ sáng tạo phải huy động cảm xúc với năng lượng kết tinh hài hòa, trọn vẹn giữa lượng thông tin với phẩm chất của “người kỹ sư tâm hồn” để trên mỗi bài viết, dù mô tả núi sông, mây gió hay “thượng chi thiên văn, hạ chi địa lý” gì nữa, nhưng khi đọc lên vạn vật “là nó” lại không còn là nó nữa. Mà cái “núi sông, mây gió”, cái vạn vật được nhắc tới kia phải được cất cánh bay lên với ý nghĩa khác. Đó là ý nghĩa nhân sinh, cuộc đời, thế sự…
Ví như, một tác giả viết về “Con ve” thế này: “Kêu chi, kêu đến hao gầy/Mấy lần lột xác không thay được hồn”. Hoặc một tác giả khác qua “trận bão”, qua “cỏ hoa” nhưng hãy đọc lên và ngẫm cùng ý nghĩa của nó xem sao ?
“… Người nghìn trận phong ba
Lại trở về tay trắng
Nhánh cỏ lạc bên đường
Lại thành bông hoa tặng…”.
Rõ ràng “con ve, bão táp” trên kia đâu chỉ còn là “con ve” với “bông hoa trong bão táp” nguyên nghĩa nữa. Nó đã bao hàm ý nghĩa lớn: “là đời”, là “thân phận con người” trong cõi người biến cải…
Khác với văn học, trên mỗi trang viết, báo chí cũng bám lấy hiện thực đời sống nhưng sự quan tâm mang nét nổi trội “là việc”, là “sự kiện”, là những gì rất khách quan của cái bên ngoài với tính chân thật, nhanh nhạy và kịp thời. Bởi vậy, cùng mô tả hiện thực nhằm phản ánh, hướng dẫn, cải tạo đời sống xã hội, nhưng báo chí là “tầng thời sự”. Còn văn chương đi sâu khám phá những vấn đề thuộc về phía con người. Vấn đề mang ý nghĩa “thời đại” qua ý nghĩa “thời sự” được phản ánh, soi sáng.
Nhà văn Market, người được giải Noben văn học đã viết khá hay về mối quan hệ giữa báo và văn. Ông cho rằng, báo chí và văn học đều được nuôi dưỡng từ những nguồn có mối liên quan tương hỗ với nhau. Ông nhận thấy, trong lao động sáng tạo của mình, phần cảm hứng đưa lại chỉ chiếm 1%. Còn 99% là do mồ hôi công sức của cuộc lao động vật mình. Bởi vậy, Market đã dùng nghề báo để giúp văn chương ở việc thu nhận vốn sống thực tế thường nhật, luôn sâu sát với ngôn từ, với những tiếp xúc mới mẻ trước diễn biến thế sự.
Rồi đây nữa, nhiều bạn đọc biết đến Ai-ma-tốp, nhà văn nổi tiếng của nước Nga Xô viết. Ai-ma-tốp từng nói: “Là một trong số những nhà văn không thể quay lưng lại với những vấn đề nóng bỏng của thời đại... Có được ý thức này, đó là do tôi làm báo. Cái tôi thấy trong mục đích của nghệ thuật là được vật lộn với những vấn đề cấp thiết của xã hội…”.
Ở Việt Nam có thể kể từ Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, đến Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Tuân… với không ít các nhà văn đương đại hiện nay đều bước vào nghề cầm bút, vừa viết báo, vừa viết văn. Họ vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Văn chương của họ có thế mạnh từ hai phía đem lại của báo và văn. Từ sự ngổn ngang, bề bộn của những sự kiện đầy phức tạp và hấp dẫn đến cảm hứng được va đập, khơi nguồn cho khả năng sáng tạo là nền móng của những trang viết hay, sâu sắc, tồn tại lâu bền trước thời gian và công chúng bạn đọc.
KIM CHUÔNG