Chỉ trong 5 năm, Hải Dương đã có thêm 3 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 2 di tích cấp quốc gia, 8 bảo vật quốc gia...
Pháo đất - trò chơi dân gian độc đáo được duy trì ở Ninh Giang, Tứ Kỳ
Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa được ghi dấu đầu tiên phải kể đến hệ thống di tích rất phong phú và độc đáo. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 di tích, danh thắng được lập danh mục đề nghị bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa, trong đó có 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích cấp quốc gia, 237 di tích cấp tỉnh.
Mỗi di tích lại gắn với các lễ hội truyền thống, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu như Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Lễ hội đền Quát (Gia Lộc), Lễ hội đền, đình Sượt (TP Hải Dương), Lễ hội đền Tranh (Ninh Giang)… Các trò chơi dân gian độc đáo như đánh pháo đất ở Ninh Giang, Tứ Kỳ, thả diều ở Kinh Môn, thổi cơm thi trên thuyền ở Thanh Hà, nặn tò he ở Nam Sách, múa lễ chữ ở Bình Giang…
Hải Dương cũng là vùng đất sở hữu hầu hết các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ như chèo, ca trù, hát văn, tuồng, rối nước, hát trống quân… Xứ Đông từ lâu đã được biết đến là “chiếng chèo” với những nghệ nhân tên tuổi, nổi danh đất Bắc như trùm Thịnh, trùm Bông, Cả Tam, Minh Lý… cùng một loạt làng nghề truyền thống danh tiếng như chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), nghề vàng bạc Châu Khê, gốm Cậy (Bình Giang), tranh thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), chạm khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn)…
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều chương trình, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy nguồn di sản văn hóa phong phú này.
Nổi bật trong giai đoạn 2015 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho kiểm kê toàn bộ di tích trong tỉnh, tiến hành bảo tồn, phục dựng, truyền dạy và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia và bảo vật quốc gia. Chỉ trong giai đoạn này đã có 3 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh, 8 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, 5 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Chương trình quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020 được triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại địa phương.
Tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, hàng chục di tích trong tỉnh được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Nổi bật nhất là trùng tu, tôn tạo các hạng mục của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), cụm di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)... tạo cảnh quan di tích ngày càng khang trang, sạch, đẹp, góp phần không nhỏ trong việc thu hút nhiều khách du lịch đến với Hải Dương.
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều chương trình như đưa liên hoan về cơ sở, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ (CLB) tham gia hội diễn cấp quốc gia và khu vực; phục dựng các trò chơi dân gian trong các lễ hội truyền thống...
Thực hiện Công ước 2003 đối với di sản hát ca trù được UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hải Dương đã xây dựng Chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù giai đoạn 2010 - 2020 nằm trong chương trình hành động chung của quốc gia cam kết với quốc tế bảo tồn di sản ca trù. Công tác tuyên truyền được tăng cường. Tập trung điều tra, kiểm kê hệ thống tư liệu về ca trù. Tỉnh còn có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân ca trù có tài năng xuất sắc, đồng thời mời các nghệ nhân này truyền dạy ca trù cho học sinh. Tỉnh cũng đầu tư hỗ trợ mỗi CLB ca trù 5 triệu đồng/năm để mở lớp truyền dạy, tập luyện ca trù cho các thành viên trong CLB nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát ca trù tỉnh Hải Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Nhận thấy thế hệ trẻ đang dần rời xa nghệ thuật truyền thống, tỉnh ta đã đẩy mạnh các chương trình nhằm khơi dậy tình yêu di sản văn hóa đối với lớp trẻ. Năm 2013, ngành văn hóa triển khai thử nghiệm chương trình “Giáo dục di sản” trong nhà trường, đạt kết quả tích cực. Năm 2016, chương trình này được triển khai rộng rãi trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Học sinh được đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu của tỉnh… từ đó hình thành ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương. Tính đến nay đã có khoảng 2.000 học sinh được tiếp cận với dự án, tạo khí thế mới trong tiếp thu kiến thức văn hóa.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Hải Dương tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự chung tay của người dân, tỉnh ta sẽ làm tốt công tác bảo tồn các di sản, những giá trị văn hóa sẽ tiếp tục được phát huy, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương trong thời gian tới.
HUYỀN ANH-HOÀNG HIỆP