Sáng 16-10, bão Sarika đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 trong năm 2016.
Đường đi và vị trí cơn bão số 7. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ vĩ bắc; 118 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 112,9 độ kinh đông, trên khu vực phía đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng 16-10, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định bão số 7 rất mạnh, đi nhanh diễn biến có khả năng giống bão Sơn Tinh năm 2012 nhưng cường độ mạnh hơn.
Ông Tuấn cho biết các cơ quan khí tượng quốc tế dự báo khá thống nhất là bão số 7 sẽ vượt qua Hoàng Sa đi vào vịnh Bắc bộ trong ngày 18-10.
Với diễn biến này, bão hướng vào các tỉnh từ Nghệ An trở ra miền Bắc. Trọng tâm mưa sẽ ở Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ. Đây là kịch bản có xác suất xảy ra 70%.
Tuy nhiên, cũng có khả năng bão số 7 đi vào sát bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Trị rồi ngược ra phía Bắc. Vùng trọng tâm mưa sẽ từ Huế trở ra. Kịch bản này xác suất 30%.
Về khả năng gây mưa của bão số 7, ông Tuấn cho biết cần phải chờ diễn biến của không khí lạnh đang tràn về để xác định khả năng tương tác với bão để có nhận định cụ thể. Nếu bão vào bờ trước khi không khí lạnh tràn về thì mưa sẽ rất lớn. Còn bão vào sau khi không khí lạnh ảnh hưởng thì mưa ít hơn.
Người dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chèo thuyền ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm - Ảnh: DOÃN HÒA |
Với diễn biến mưa lũ ở miền Trung, ông Tuấn cho biết đến sáng 16-10 phần lớn mưa đã giảm. Khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi còn có mưa do ảnh hưởng gió mùa đông bắc nhưng qua đêm 16-10 sẽ hết mưa.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lũ đã làm 15 người chết, 9 người mất tích, 18 người bị thương. Trong đó, tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề về người.
Các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, công tác trọng tâm hiện nay là song song với việc tập trung cứu chữa người bị thương, tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, bố trí chỗ ở tạm cho những hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, ngập.
Đồng thời khu vực ven bờ lên phương án sơ tán người dân ở ven biển, nơi nuôi trồng thủy sản, khách du lịch ra khỏi nơi nguy hiểm do bão có thể gây ra.
Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở miền Trung, ông Thắng đề nghị phải kiểm tra, thực hiện phương án điều tiết từng hồ. Các cơ quan chuyên môn, chủ hồ chứa phải bàn bạc cụ thể với từng địa phương về phương án xả lũ để tránh bị động và thiệt hại.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đoàn kiểm tra tình hình mưa lũ tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên chiều 15-10 - Ảnh: DOÃN HÒA |
Hà Tĩnh không để dân thiếu lương thực, nước uống
Đó là một trong những yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung cao cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định phân bổ cấp phát hàng dự trữ quốc gia hơn 2.300 phao, nhà bạt cho các địa phương ứng phó mưa lũ.
Sáng 16-10, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết phía tỉnh đã quyết định phân bổ, cấp phát hàng dự trữ quốc gia để phục vụ công tác ứng phó thiên tai, lũ lụt đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, 13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Hà Tĩnh được cấp 600 chiếc phao áo cứu sinh, 1.400 chiếc phao tròn cứu sinh và 18 chiếc phao bè loại nhẹ.
Đối với các đơn vị chức năng như Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, BĐBP tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, tỉnh đoàn, tiểu ban an toàn nghề cá được cấp 40 bộ nhà bạt (loại 16,5m²), 250 áo phao và phao tròn cứu sinh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị được cấp phát tiếp nhận, quản lý và sử dụng hàng đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định, thời gian nhận hàng trước 17-10 để phục vụ công tác cứu trợ cho người dân vùng bị ngập lụt.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh đến sáng 16-10, lũ thượng lưu sông Ngàn Sâu đang xuống trong khi lũ sông Ngàn Phố lên lại; hạ lưu sông Ngàn Sâu và sông La cũng đang lên.
Mực nước lúc 4 giờ sáng 16-10 trên một số nơi tại sông Ngàn Phố tại trạm thủy văn Sơn Diệm đạt 11,04m, dưới báo động 2 là 0,46m; sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đạt 13,66m, trên báo động 3 là 0,16m; sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt đạt 10,97m, trên báo động 3 là 0,47m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các huyện Hương Sơn, Vũ Quang; tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tiếp diễn ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.
Sáng 16-10, TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc không còn mưa, có nắng nhẹ, mực nước ở các vùng dân cư bị ngập đang rút chậm. Tại TP Hà Tĩnh, một số tuyến phố vẫn còn ngập nước như Hà Huy Tập, Nguyễn Xí…
Hàng nghìn hộ dân huyện miền núi Vũ Quang, Hà Tĩnh chìm trong lũ
Nhiều nhà dân, đường sá ở xã Đức Hương, Đức Liên, Đức Bồng chìm sâu trong biển nước - Ảnh: BÍCH HƯỜNG |
Sau 3 ngày mưa liên tiếp, sáng 16-10, do lũ trên thượng nguồn đổ về kết hợp xả lũ ở các hồ đập khiến nhiều địa phương ở huyện Vũ Quang dọc theo sông Ngàn Sâu ngập lụt nghiêm trọng, nhiều hộ bị cô lập.
Lãnh đạo huyện Vũ Quang đã thành lập các đoàn kiểm tra và hỗ trợ lương thực cho người dân vùng lũ.
Theo báo cáo đến 12 giờ trưa 16-10, trên địa bàn huyện Vũ Quang, lũ dâng khiến 59 thôn với 6.825 hộ dân thuộc các xã gồm: Ân Phú, Đức Giang, Đức Liên, Đức Hương, Đức Lĩnh, Đức Bồng bị cô lập.
Nước lũ cũng làm ngập 953 hộ, 14 nhà văn hóa cộng đồng của các thôn, 16 trường học của các xã. Một số tuyến đường đang bị ngập như: Tỉnh lộ 5 qua xã Đức Bồng, Ân Phú - Cửa Rào; đường vượt lũ đoạn qua xã Đức Giang, Đức Lĩnh; đường vào trung tâm các xã Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Liên; đường liên thôn tại các xã Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương…
Để ứng phó với diễn biến mưa lũ, sớm khắc phục hậu quả, UBND huyện Vũ Quang tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị vào cuộc với tinh thần khẩn trương và hiệu quả nhất. Trong đó tập trung các vùng ngập và bị cô lập để tổ chức di dời dân đến các địa điểm an toàn; tổ chức trực ban 24/24, bố trí đủ lực lượng tại chỗ để sẵn sàng ứng phó các sự cố và giúp đỡ nhân dân di dời, bảo vệ các công trình thủy lợi, giao thông, dọn dẹp các đoạn đường bị ảnh hưởng...
Sáng nay, huyện đã tổ chức các đoàn đi tiếp tế mì tôm, nước khoáng, lương khô và thăm hỏi, động viên các hộ dân vùng ngập, bị cô lập…
Lãnh đạo huyện Vũ Quang trao mì tôm tiếp tế cho hộ dân thôn Liên Châu, xã Đức Liên - Ảnh: BÍCH HƯỜNG |
Nhà dân bị cô lập - Ảnh: BÍCH HƯỜNG |
Trụ sở cơ quan chìm sâu trong biển nước - Ảnh: BÍCH HƯỜNG |
Nghệ An: Mưa ngừng, hồ Vực Mấu không xả lũ
Lúc 10 giờ sáng 16-10, ông Ngô Quốc Thăng, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai, đơn vị quản lý hồ Vực Mấu (hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An) cho biết thông tin trên.
Theo đó, do mực nước trong hồ Vực Mấu hiện tại là 20,93m chưa đạt cao trình là +21 m nên đơn vị vận hành hồ không tiến hành xả lũ như đã thông báo.
Trước đó, chiều 15-10, Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai phát thông báo đến các địa phương ở thị xã Hoàng Mai dự kiến sẽ mở từ 1-3 cửa xả lũ bắt đầu vào 7 giờ sáng 16-10 để bảo đảm an toàn.
Sáng 16-10, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, mưa lũ làm 2 người chết, hơn 2.830 hộ dân ở TP Vinh bị ngập lụt.
Theo Tuổi trẻ