Ít nhất 1.400 người Palestine đã bị thương trong các vụ đụng độ với an ninh Israel trong những ngày cuối tuần qua.
Người biểu tình Palestine đá một vỏ xe được châm lửa về phía binh sĩ Israel tại thành phố Ramallah, khu Bờ Tây ngày 10.12 - Ảnh: REUTERS
Giới quan sát lo ngại việc một nhân viên an ninh Israel bị đâm dẫn tới nguy kịch ngày 10-12 có thể thổi bùng căng thẳng, mở màn cho những động thái đáp trả cứng rắn của nhà nước Do Thái.
Người này bị đâm ngay tại lối ra vào bến xe buýt trung tâm của thành phố Jerusalem. Một người đàn ông Palestine khoảng 24 tuổi, người đã đâm nhân viên an ninh, đã bị những người đi ngang khống chế và bị bắt giữ ngay sau đó.
Chính quyền Do Thái đã tăng cường các biện pháp an ninh, bao gồm cả triển khai máy quét kim loại tại các địa điểm công cộng trong nhiều ngày qua.
Đường phố Bethlehem bị bao phủ bởi khói trắng từ lựu đạn khói và hơi cay của an ninh Israel ngày 10-12 - Ảnh: REUTERS
Bạo lực tại Bethlehem, thành phố nằm ở Bờ Tây, cách Jerusalem khoảng 10km, tiếp tục leo thang trong ngày 10.12. Hơi cay, lựu đạn khói đã được sử dụng để giải tán đám đông đang la hét Jerusalem là thủ đô của Palestine và phản đối quyết định của Mỹ.
Đài Russia Today của Nga mô tả họ có nhân chứng đã thấy tận mắt cảnh sát và binh sĩ Israel bắn thẳng lựu khói về phía người biểu tình. Một phóng viên của hãng thông tấn Nga RIA Novosti dường như đã bị trúng hơi cay từ an ninh Israel.
Đó đã là ngày thứ 5 ở Bethlehem, biểu tình dẫn đến bạo lực và thương vong là điều khó tránh khỏi. Thành phố Bethlehem chỉ là một phần trong bức tranh cuồng nộ của thế giới Ả rập và Hồi giáo sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ngày 7.12.
Tờ Jerusalem Post dẫn lời người phát ngôn Hội Trăng lưỡi liềm đỏ cho biết ít nhất 1.397 người Palestine đã bị thương trong các vụ đụng độ và biểu tình trong hai ngày 9 và 10.12.
Cờ của Mỹ và Israel bị mang ra đốt trong một cuộc biểu tình ở Pakistan, quốc gia Hồi giáo, ngày 10.12 - Ảnh: REUTERS
Các cuộc biểu tình diễn ra không chỉ tại các nước Hồi giáo, những nơi chia sẻ và thông cảm với người Palestine mà còn diễn ra tại các nước đồng minh của Mỹ.
Ngày 10.12, khoảng 2.500 người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Đức để thể hiện sự đoàn kết với Nhà nước Palestine, chống lại quyết định của Washington. Ít nhất một lá cờ của Israel đã bị đốt khiến chính quyền Berlin phải lên tiếng, theo Reuters.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas nhấn mạnh sẽ không có chổ cho những kẻ bài Do Thái trong các cuộc biểu tình như vậy.
Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh trong khi những chỉ trích nhắm vào quyết định của tổng thống Mỹ là có thể hiểu được, không một ai có quyền hay viện bất kỳ lý do gì để đốt cờ Israel, gây hận thù chống lại người Do Thái hay đặt câu hỏi về sự tồn tại của nhà nước Do Thái.
BẢO DUY (Tuổi trẻ)