Thị trường bảo hiểm xe cơ giới có sức hút rất lớn với các doanh nghiệp nhưng tình trạng trục lợi và gian lận đã khiến một số đơn vị kinh doanh loại hình này bị thua lỗ.
Lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới gặp nhiều rủi ro (ảnh minh họa)
Cạnh tranh gay gắt để có thêm thị phần và doanh thu khiến phân khúc bảo hiểm xe cơ giới (BHXCG) luôn là cuộc ganh đua quyết liệt giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro làm nhiều doanh nghiệp phải "kén" khách để tồn tại và phát triển.
Nhiều chiêu trò trục lợi
Hồi 1 giờ ngày 12.3.2019, tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng), ô tô 34A-263.86 không làm chủ tốc độ đã đâm vào cột điện, ước thiệt hại 250 triệu đồng. Tại hiện trường, đại diện chủ xe đã cung cấp sơ bộ thông tin cho công an và cơ quan bảo hiểm nhưng không đúng sự thật.
Giám định hiện trường cho thấy người khai thông tin đã cố tình đổi tên người lái xe do chủ xe gây tai nạn chưa có giấy phép lái xe hợp lệ.
"Mục tiêu trục lợi bảo hiểm không thành, dù chủ xe đã tham gia bảo hiểm vật chất xe tại Công ty Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH) Quảng Ninh, giá trị bảo hiểm 600 triệu đồng", ông Phạm Trung Định, phụ trách giám định bồi thường của Công ty Bảo hiểm BSH Hải Dương cho biết.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm, không chỉ trục lợi với chiêu trò như trên, một số khách hàng còn tìm mọi cách để trục lợi về chi phí khắc phục thiệt hại. Bởi thực tế ở các gara ô tô chính hãng, giá phụ tùng và tiền công sửa xe thường cao hơn các xưởng sửa xe ở ngoài từ 30-50%, cá biệt có trường hợp đắt gấp đôi.
Ở một số gara chính hãng có tình trạng các cố vấn dịch vụ bị giao cả chỉ tiêu doanh thu sửa chữa nên phát sinh tình trạng thông đồng với chủ xe "vẽ" thêm chi phí.
Liên Bộ Tài chính - Công an đã có thông tư liên tịch về phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi trục lợi và gian lận bảo hiểm, nhất là việc trục lợi bảo hiểm của các chủ xe cơ giới. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Duân, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Hải Dương, trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến, hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trong BHXCG, nếu tỷ lệ bồi thường/doanh thu đạt đến 55% thì thường doanh nghiệp bảo hiểm hòa vốn. Thực tế từ đầu năm đến nay, tỷ lệ bồi thường ở mảng nghiệp vụ này của các doanh nghiệp bảo hiểm Hải Dương đều từ 58- 76%.
Một số thương hiệu nhỏ đã có tỷ lệ bồi thường chạm mức 100%. "Không ít doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để đạt được chỉ tiêu doanh số dù biết trước nhiều khả năng làm là lỗ", ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty PVI Hải Dương cho biết.
Không nên chạy theo doanh số
Dễ khai thác, dễ tạo ra doanh thu nên dù có tỷ lệ bồi thường cao, BHXCG vẫn có sức hút rất lớn không chỉ với doanh nghiệp mới vào thị trường mà ngay cả những doanh nghiệp bảo hiểm đã xác lập được chỗ đứng.
Hiện nay, việc phát triển thị trường BHXCG ở Hải Dương doanh nghiệp bảo hiểm phải tìm đến khách hàng bằng mọi cách, vì khách hàng chưa chủ động chọn doanh nghiệp. Tổng doanh thu của phân khúc BHXCG ở Hải Dương khoảng 150-170 tỷ đồng.
Chạy theo chỉ tiêu doanh số, xem nhẹ hiệu quả kinh doanh, dịch vụ khách hàng yếu, bồi thường không còn đúng, đủ, kịp thời không chỉ làm giảm uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp mà BẢO HIỂM XE CƠ GIỚI Thị trường hấp dẫn nhưng không dễ làm Lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới gặp nhiều rủi ro (ảnh minh họa) còn ảnh hưởng hoạt động bảo hiểm nói chung.
Khi tỷ lệ bồi thường tiến gần đến điểm hòa vốn, khả năng bồi thường bị siết chặt, ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Thực tế thua lỗ ở BHXCG làm cho một số doanh nghiệp bảo hiểm phải siết điều khoản, xây dựng biểu phí hợp lý hơn (bảo hiểm chỉ phải thanh toán phần chi phí tổn thất sau khi trừ đi mức miễn thường).
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn quản trị số liệu bồi thường theo năm nghiệp vụ và năm tài chính nhằm theo dõi, kiểm soát đầy đủ, chính xác từng khách hàng để đánh giá.
Để khắc phục sự méo mó của phân khúc BHXCG cần tăng cường các chế tài xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần triển khai triệt để các quy định của Bộ Tài chính về việc tăng 10% phí bảo hiểm vật chất xe và trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Áp dụng nghiêm quy định tăng mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới từ 10-20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao như taxi, xe kinh doanh dịch vụ vận tải, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ moóc...
Năm 2020, giá xe ô tô được dự báo tiếp tục giảm, nhu cầu tiêu thụ xe tăng, nhu cầu bảo hiểm và tỷ lệ phí, giá sửa chữa xe chính hãng dự kiến tăng 10%. "Để tận dụng cơ hội thị trường, các doanh nghiệp cần ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng trục lợi bảo hiểm", bà Mai Thị Huệ, Giám đốc Công ty Bảo hiểm BSH Hải Dương nói.
THÀNH LONG