Thành công của Flappy Bird một lần nữa chứng minh, trí tuệ của người Việt không hề thua kém thế giới.
Sẽ có những ứng dụng Việt bay xa như Flappy Bird.
Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, khi Flappy Bird - con chim “made in Vietnam” cất cánh tung bay trên bầu trời ứng dụng của thế giới, nhiều chuyên gia công nghệ cho biết, đó sẽ là “cú hích” lớn cho cho những người đam mê sáng tạo.
Rồi Nguyễn Hà Đông quyết định hạ Flappy Bird xuống. Nhưng, ngần ấy quãng thời gian tồn tại, ngần ấy bài báo khen-chê đã là quá đủ với “bước chạy đà” khiến cho thế giới biết đến ngành công nghệ Việt nhiều hơn, chứ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực gia công phần mềm - vốn được FPT Software thống lĩnh với doanh thu hơn 100 triệu USD/năm.
Thành công của Flappy Bird một lần nữa chứng minh, trí tuệ của người Việt không hề thua kém thế giới. Và, chúng ta có thể làm ra những phần mềm, ứng dụng đình đám chứ không chỉ loanh quanh trong “ao làng.”
Cách đây vài năm, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thời thời điểm chín muồi để công nghiệp nội dung số Việt Nam bứt phá đã tới, khi mà chúng ta có hạ tầng viễn thông, nhân lực tốt, thiết bị đầu cuối tăng trưởng nhanh.
Cùng với đó, hàng loạt các sản phẩm ứng dụng “Made in Vietnam” đã được đưa lên các chợ ứng dụng lớn và cũng có thành tựu đáng kể. Thế nhưng, tiếng tăm của những ứng dụng này so với Flappy Bird thì mới hạn chế ở quy mô nhất định.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư rất bài bản để sản xuất game, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Song, khi ra thị trường, nhà sản xuất không thể thu hồi vốn. Lý giải duy nhất có thể đưa ra chính là việc họ chưa nắm bắt được thị hiếu của người dùng.
Thậm chí, để chạy theo lợi nhuận, có nhà phát triển ứng dụng đưa nội dung lên các chợ, song lại “đính kèm” vào đó quảng cáo sex, thậm chí cả mã độc để ứng dụng tự động nhắn tin tới đầu số, trừ tiền của người dùng… Tất cả những điều ấy đã gây nên không ít tai tiếng cho ngành công nghiệp nội dung số vốn được kỳ vọng sẽ “hái ra tiền” và là đòn bẩy để vươn ra thị trường quốc tế.
Đó là kiểu làm manh mún, thiếu bền vững và sẽ bị loại bỏ khi ra sân chơi quốc tế và góp mặt trên các cửa hàng ứng dụng lớn như App Store, Google Play…
Nói về sự manh mún trong ứng dụng Việt, trong một lần trao đổi trước đây, Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn cho rằng lý do mà Việt Nam chưa có ứng dụng “đủ tầm” chính là việc nhiều doanh nghiệp nội dung vẫn đang nghĩ về những thứ cao xa mà chưa đầu tư vào những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong cuộc sống.
Vị chuyên gia này nhận định, hiện tại, nếu doanh nghiệp nào làm nội dung tốt sẽ có cơ hội làm chủ, và có có lợi nhuận cao.
Ở Flappy Bird, một trò chơi với lập trình đơn giản nhưng khó chơi, điện thoại tải về dùng không bị trừ đi một số tiền đáng kể, cũng không thấy quảng cáo sex… Và, tác giả Nguyễn Hà Đông kiếm tiền một cách chính đáng từ những quảng cáo đem lại.
Rõ ràng, thành công của Flappy Bird là một điều đáng để những người làm nội dung số suy ngẫm lại đường đi của mình cũng như có những hướng để thành công hơn nữa. Thế nhưng, bên cạnh việc tự thân vận động của những doanh nghiệp, cá nhân làm lập trình, nhà nước cũng cần phải có những chính sách đãi ngộ hơn để họ có cơ hội phát triển.
Ở khía cạnh khác, thời gian qua Việt Nam đã xác định công nghệ thông tin là mũi nhọn với rất nhiều những chính sách được ban hành. Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam lần thứ 3 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh công nghệ thông tin là một lợi thế phát triển đặc biệt của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã yêu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội.
Sau khi Nguyễn Hà Đông gỡ Flappy Bird, ngày 11/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ với Nguyễn Hà Đông và đã có sự động viên, ủng hộ kịp thời với nhà lập trình trẻ này. Đây cũng sẽ là động lực không chỉ với Nguyễn Hà Đông mà còn với rất nhiều người đam mê sáng tạo, lập trình.
Ông Lê Văn Giáp, sáng lập diễn đàn Vietandroid.com và sáng lập, điều hành kho ứng dụng ViMarket.vn nhận định, việc Phó Thủ tướng gặp tác giả của Flappy Bird rất có ý nghĩa.
Ông Giáp hy vọng qua cuộc gặp này, các chính sách hỗ trợ phát triển ngành ứng dụng di động, game di động sẽ được bổ sung, cải tiến tốt hơn để thúc đẩy ngành này ngày càng phát triển.
Và, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc nhiều ứng dụng Việt sẽ cất cánh bay ra biển lớn, thu hút người dùng thế giới như Flappy Bird đã làm được.
TTXVN