Nước luôn có vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sự phát triển ổn định của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp
Ô nhiễm, lãng phí
Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm2020, tổng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành sản xuất ở Hải Dương khoảng 1,45 tỷ m3/năm. Trong đó nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản chiếm khoảng 66%, sinh hoạt và dịch vụ8%, sản xuất công nghiệp 13% và môi trường 13%. Hiện nay, nguồn nước đang được khai thác, sử dụng chủ yếu là nước mặt ở các tuyến sông. Nguồn nước mặt ở các hồ, ao có nguy cơ bị ô nhiễm trong khi nguồn nước dưới đất ở một số nơi không sử dụng được do bị nhiễm mặn.
Kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước định kỳ ở 20tuyến kênh trong tỉnh do Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện cho thấy hầu hết các tuyến kênh thực hiện quan trắc đã bị ô nhiễm. Nhiều thông số phân tích như E.Coli, DO, NH4--N, COD, TSS, BOD... có giá trị vượt quy chuẩn cho phép. Nguồn nước ô nhiễm dẫn đến việc một số nơi có nguy cơ thiếu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Hải Dương có 150 xã, phường bị ảnh hưởng do ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải. Trong đó, 17 địa phương bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, 28 địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tập trung ở các huyện Bình Giang và Cẩm Giàng. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm khiến năng suất lúa, rau màu giảm 20%, sản lượng thủy sản giảm 40%. Ngoài ra, chất lượng nước phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư cũng bị ảnh hưởng theo.
Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trong khi nước mưa và nước thải ra trong quá trình sản xuất và sinh hoạt lại chưa được chú trọng thu hồi, xử lý để tái sử dụng vào các mục đích phù hợp, góp phần bảo vệ môi trường. Đó là một sự lãng phí lớn nguồn tài nguyên nước. Lượng mưa trung bình hằng năm trên địa bàn tỉnh từ 1.473 - 1.541,5 mm. Đây là nguồn tài nguyên không nhỏ nếu chúng ta có biện pháp thu hồi và sử dụng vào những mục đích phù hợp. Nguồn nước mưa từ lâu đã được người dân ở khu vực chưa có nước máy thu gom thông qua các bể chứa nước mưa tại gia đình và dùng để ăn uống, sinh hoạt. Khi xây dựng các công trình thu gom, tích trữ nước mưa, không những làm gia tăng trữ lượng khai thác nước dưới đất, phòng tránh suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất mà còn giảm nguy cơ gây úng ngập tại một số khu vực, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Nhưng ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nước mưa hầu như chưa được quan tâm thu hồi và sử dụng vào các mục đích phù hợp.
Bảo vệ dựa vào tự nhiên
Ngày 22.3 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách quản lý bền vững tài nguyên nước, nhất là nguồn nước ngọt. Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2018 là “Nước với thiên nhiên” nhằm nhấn mạnh vai trò của thiên nhiên trong việc bảo vệ nguồn nước, kêu gọi ứng dụng các giải pháp sẵn có trong tự nhiên để giải quyết các vấn đề thách thức về tài nguyên nước trong thế kỷ 21 trên toàn cầu. Lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm tài nguyên nước đang ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chưa bền vững cùng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dựa vào tự nhiên để quản lý và bảo vệ tài nguyên nước là một giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết, ứng phó với các thách thức này, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc: "Bảo đảm nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người”, “Đến năm 2030, tất cả mọi người đều có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn”.
Nguồn nước mặt nhiều tuyến sông bị ô nhiễm
Theo đó, một chiến dịch được gọi là “Câu trả lời đã có sẵn trong tự nhiên” nhằm nâng cao nhận thức về những giải pháp tự nhiên sẵn có trong nguồn nước đã được Liên hợp quốc phát động. Liên hợp quốc đưa ra các giải pháp dựa vào tự nhiên như “Trồng thêm một cây xanh là thêm hành động tái tạo nguồn nước”; kết nối, khơi thông các dòng sông, khôi phục các vùng đất ngập nước, xây dựng các công trình xanh, mái nhà xanh, bức tường cây, hồ điều hòa... Đó là những biện pháp hiệu quả, bền vững với chi phí rất hợp lý giúp cân bằng nước, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện sức khỏe và sinh kế của cộng đồng.
Sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên là sử dụng đặc tính và chức năng của hệ sinh thái để cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho cuộc sống con người. Sử dụng những giải pháp tự nhiên sẵn có trong nguồn nước có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, đóng góp vào việc tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời giúp bảo vệ môi trường tự nhiên và giảm ô nhiễm nguồn nước.
VỊ THỦY