Bạo động - chuyện khó tin ở Thụy Điển

28/05/2013 05:46

Các vụ bạo động ở ngoại ô Thủ đô Stockholm vừa qua đã trở thành một cú sốc lớn đối với cả Thụy Điển lẫn cộng đồng quốc tế.



Hiện trường một vụ bạo động ở ngoại ô Thủ đô Stockholm. Ảnh Reuters


Sống tách biệt và thất nghiệp!

Truyền thông quốc tế nhanh chóng khẳng định, chính sách nhập cư của Thụy Điển là nguyên nhân dẫn tới các cuộc bạo động. Theo tạp chí Foreign Policy, với chính sách nhập cư cởi mở, trong thập kỷ qua, Thụy Điển đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người nhập cư từ vùng Balkan và các nước Hồi giáo như Iraq, Afghanistan, Syria, Somalia... Ở khu Husby, ngoại ô Stockholm, 85% trong tổng số 12 nghìn cư dân sinh ra ở Thụy Điển, nhưng cha mẹ đều sinh ở nước ngoài.

Bất chấp các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, người nhập cư gốc Trung Đông và châu Phi rất khó kiếm được việc làm hoặc chỉ được nhận những công việc tay chân. Ở Husby, tỷ lệ thất nghiệp là 8,8% so với mức thất nghiệp trung bình toàn Thụy Điển là 3,3%. Không biết tiếng bản ngữ, không nghề nghiệp, người nhập cư Thụy Điển bị tách rời khỏi xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội Thụy Điển đang trở nên bất bình đẳng hơn. Những người trẻ sống trong các cộng đồng người nhập cư bị cô lập, có cuộc sống rất khó khăn. Họ không hề tiếp xúc với người Thụy Điển bản xứ, không hiểu gì về xã hội Thụy Điển. Họ thất vọng, bức xúc nên quậy phá để giải tỏa sự dồn nén lâu nay.

Trên thực tế, so với nhiều quốc gia khác, Thụy Điển có chính sách ưu đãi người nhập cư rất rộng rãi. Chính phủ cung cấp nhà cửa cho họ, tổ chức các lớp học tiếng Thụy Điển, cho phép những người tị nạn chính trị được sống với người thân. Ngay cả tại các khu ngoại ô bị cho là nghèo như Husby, hạ tầng cơ sở phát triển tương đương các khu vực khác của thủ đô.

Giáo sư chính trị Ulf Bjereld thuộc Đại học Gothenburg nhận định, một phần nguyên nhân xuất phát từ chính người nhập cư. Vì nhiều lý do, có nhiều người nhập cư đã không chịu hòa nhập vào xã hội Thụy Điển. Họ không chịu học tiếng Thụy Điển, không nỗ lực phấn đấu để vươn lên, do đó bị cái nghèo và nạn thất nghiệp đeo bám.

Bạo động lan rộng

Bạo động bắt đầu từ ngày 19-5 ở khu ngoại ô Husby, khi một người đàn ông 69 tuổi bị cảnh sát bắn chết. Vụ việc này đã khiến thanh niên trong vùng giận dữ. Đến ngày 25-5, bạo động vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Vùng bị ảnh hưởng lan ra ngoài Stockholm.

Chính quyền Thụy Điển cho biết, việc tăng cường cảnh sát ở thủ đô đã giảm được tình hình bạo lực so với những ngày trước. Tuy nhiên, các nhóm thanh niên vẫn chưa chịu chấm dứt hành động đập phá hoặc đốt xe và nhà cửa. Theo Reuters, số lượng ô-tô bị đốt phá trong tuần qua ít nhất là 100 chiếc. Tại thị trấn Orebro ở miền Trung Thụy Điển, hơn 20 thanh niên đeo mặt nạ đã châm lửa đốt 3 ô-tô, 1 trường học và cố gắng đốt 1 đồn cảnh sát. Tại thị trấn Sodertalje, cách thủ đô 1 giờ lái xe, cũng xảy ra vụ cháy một tòa nhà cổ. Cảnh sát tại 2 thành phố Malmo và Gothenburg đã đề nghị huy động lực lượng hỗ trợ. 13 nghi can từ 17-26 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ.

Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn cách đối phó tình hình bạo động lan rộng. Bộ trưởng Các vấn đề hội nhập Erik Ullenhag cho biết, mục tiêu hành động trong ngắn hạn là bảo đảm đời sống ở các khu vực sớm trở về bình thường. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh và Đại sứ quán Mỹ ở Stockholm đã đăng cảnh báo công dân các nước này không nên đi đến những vùng đang xảy ra bạo động.

Giới phân tích nhận định, dẫu vì nguyên nhân gì thì các vụ bạo động này là một cú sốc lớn đối với người dân Stockholm nói riêng và Thụy Điển nói chung. Vốn là một đất nước nổi tiếng về sự cởi mở và chế độ phúc lợi, vụ bạo động ở Thụy Điển phơi bày sự bất bình đẳng và bất mãn của một nhóm thiểu số ở nước này.

VĂN NGHIỆP(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo động - chuyện khó tin ở Thụy Điển