Bao điều yêu dấu từ ngọn lửa em nhen

18/06/2016 13:53

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Ngọn lửa

Ngọn lửa tự đâu ra
Bếp nhà ai cũng có
Lửa bao nhiêu tuổi rồi
Mà vẫn như con nhỏ
Reo bập bùng trước gió
Như chơi trò ú tim

Vốn tính lửa rất hiền
Soi đèn cho em học
Lửa thương người khó nhọc
Biến gạo thành cơm thơm
Ai chẳng ấm lòng hơn
Khi nhìn vào ngọn lửa

Tự hôm nào ấy nhỉ
Lửa đã vào nhà em
Cho tay mẹ khêu đèn
Cho tay bà ủ trấu

Biết bao điều yêu dấu
Em khum bàn tay nhen.


Thơ không chỉ thuần túy là cảm xúc, thơ còn mang cả tính phát hiện những điều mà người khác không dễ thấu cảm được. Thơ viết cho thiếu nhi lại cần lắm sự phát hiện tinh tế này, có như vậy mới dễ đi vào tâm hồn các em. Bài thơ Ngọn lửa của Vũ Quần Phương đã giúp cho người đọc có một cái nhìn mới về ngọn lửa mà lâu nay chưa ai cảm được. Đó chính là sự dịu hiền, đầy thương yêu và sẻ chia với con người của lửa. Qua đó, nhà thơ giúp cho các em nhỏ có một cái nhìn thân thiện, không phải sợ hãi khi ngồi trước ngọn lửa mỗi ngày.

Trước hết, nhà thơ Vũ Quần Phương bắt gặp sự đồng điệu của lửa và tâm hồn trẻ thơ trong sáng, từ đó khơi gợi sự gần gũi, mến thương. Trẻ con bao giờ cũng vui nhộn, chạy nhảy tung tăng khiến cho ông bà, cha mẹ đôi khi phải kìm hãm lại mới yên lòng. Ở đây tác giả so sánh sự tương đồng giữa lửa và trẻ thơ qua cái nhìn thật ngộ nghĩnh:

Lửa bao nhiêu tuổi rồi
Mà vẫn như con nhỏ
Reo bập bùng trước gió
Như chơi trò ú tim


"Lửa nhà ai cũng có", như trẻ nhỏ đều có ở mỗi nhà. Lửa có từ hàng ngàn năm trước khi con người thoát thai khỏi cuộc sống mông muội để tiến đến văn minh, biết nấu chín thức ăn để giữ gìn sức khỏe. Khoảng cách chênh nhau về thời gian ra đời khá xa giữa ngọn lửa và trẻ con, vậy mà sao lại có nét hồn nhiên gần nhau đến thế? Lửa bập bùng trước gió như trẻ con bày trò chơi ú tim. Đọc đến đây, chắc rằng các em nhỏ rất thích thú khi lần đầu tiên thấy lửa cũng giống như mình, thế là bạn của nhau được quá con gì! Cái hay và tài tình của tác giả là ở chỗ ấy, đó là khả năng kéo gần lại những đặc điểm tưởng chừng xa nhau giữa lửa và trẻ thơ.

Chưa hết, Vũ Quần Phương đã rất tài hoa khi phát hiện về tính "rất hiền" của lửa. Lâu nay, nói đến lửa ai cũng nghĩ đến sự nóng bức, sự thiêu rụi, sự hủy diệt. Có người xem lửa như là giặc kia mà. Với trẻ con, lửa càng khủng khiếp hơn, ít dám đến nghịch phá nên cũng không thích gần. Vậy mà đọc thơ Vũ Quần Phương, nhất là đoạn thơ sau, chắc rằng các em sẽ bừng ngộ và nhận ra những điều vô cùng thú vị từ lửa:

Vốn tính lửa rất hiền
Soi đèn cho em học
Lửa thương người khó nhọc
Biến gạo thành cơm thơm
Ai chẳng ấm lòng hơn
Khi nhìn vào ngọn lửa


Chao ôi, bao nhiêu là đặc tính dễ thương của lửa mà đến bây giờ em mới biết. Lửa đi vào ngọn đèn cho em học bài (bây giờ chủ yếu dùng điện nhưng trước đây ngọn đèn dầu là ánh sáng duy nhất của mỗi gia đình lúc về đêm). Lửa hiền lành và nhân hậu vì biến hạt gạo thành nồi cơm dẻo thơm cho em ăn để khôn lớn mỗi ngày. Hơn thế nữa, lửa làm ấm lòng ai mỗi khi về nhà trong cơn rét mướt hay ngồi gần ngọn lửa sưởi ấm. Hàng loạt hình ảnh nối tiếp nhau được Vũ Quần Phương huy động ùa về để làm nên những đặc điểm hiền lành của lửa. Đọc đến đây, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng, hình ảnh ngọn lửa kia thật đáng yêu và nhân hậu làm sao. Chính những phẩm chất đáng quý của lửa mà được bà và mẹ yêu quý nâng niu làm nên ánh sáng ngọn đèn và ủ ấm tình thương từ tay bà ủ trấu:

Tự hôm nào ấy nhỉ
Lửa đã vào nhà em
Cho tay mẹ khêu đèn
Cho tay bà ủ trấu


Từ đó, em biết nâng niu và quý trọng ngọn lửa mỗi khi nhen bếp giúp mẹ, giúp bà. Lửa, với em bây giờ không còn là nỗi sợ hãi, mà là người bạn thân, tràn đầy yêu dấu mến thương:

Biết bao điều yêu dấu
Em khum bàn tay nhen.


Bài thơ Ngọn lửa có một tứ thơ rất độc đáo nhờ vào khả năng phát hiện tuyệt vời của tác giả. Với con trẻ, phát hiện ấy không chỉ rất cần cho sự khám phá các sự vật và hiện tượng đời sống mà sâu xa hơn, còn là hơi ấm của tình thương yêu, sự sẻ chia, đặc biệt là giúp các em có cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn trong cảm nhận cuộc sống mỗi ngày.

AN ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao điều yêu dấu từ ngọn lửa em nhen