Trong thời gian giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, người lao động vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi.
Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) trong 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến hết 30.6.2022) cho người lao động (NLĐ). Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chính sách này, phóng viên đã trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh.
* Phóng viên: Thưa ông, đối tượng nào sẽ được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg?
- Ông Phan Văn Mến: Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định đối tượng được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN là NSDLĐ đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, NLĐ trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). NSDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ phòng chống dịch Covid-19.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh
* Trình tự hồ sơ, thủ tục ra sao?
- Trên cơ sở dữ liệu quản lý thu, cơ quan BHXH lập và gửi thông báo giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho đơn vị sử dụng lao động. Trường hợp đơn vị có NLĐ hưởng lương từ ngân sách nhà nước (các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên) thì lập hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH (Mẫu số D02-LT ban hành kèm theo Quyết định số 1040/QĐ-BHXH ngày 18.8.2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) gửi cơ quan BHXH để điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định.
* Doanh nghiệp, đơn vị thành lập mới từ sau ngày 1.7.2021 có được giảm mức đóng?
- Theo quy định, NSDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN trong 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến hết 30.6.2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, NLĐ trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Vì vậy, đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới sau ngày 1.7.2021 cũng được giảm mức đóng.
Trong thời gian giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, người lao động vẫn được bảo đảm quyền lợi. (Ảnh minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
* Trong thời gian hưởng chính sách giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN, nếu đơn vị có tăng số lượng lao động thì có được giảm tiền đóng cho số lao động tăng không?
- Việc áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là nhằm hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và thời gian thực hiện là trong 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến hết 30.6.2022). Như vậy, nếu trong thời gian này, đơn vị có tăng lao động thì vẫn được tính giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định.
* Đơn vị được giảm mức đóng Bảo hiểm TNLĐ-BNN có phải thanh toán, quyết toán phần kinh phí giảm với cơ quan BHXH?
- Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không quy định đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN phải quyết toán với cơ quan BHXH. Do đó, đơn vị không phải thanh toán, quyết toán phần kinh phí giảm với cơ quan BHXH.
* Trong thời gian được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN, nếu NLĐ bị bệnh nghề nghiệp hoặc xảy ra tai nạn lao động thì có được chi trả chế độ?
- Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật An toàn - vệ sinh lao động, trong thời gian giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định trên, NLĐ vẫn được hưởng các quyền lợi như đang đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN.
* Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì NSDLĐ sẽ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ phòng chống dịch Covid-19. Vậy khoản hỗ trợ cho NLĐ này thì NSDLĐ sẽ thực hiện dưới hình thức nào?
- Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg chỉ quy định NSDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể cho NLĐ phòng chống dịch Covid-19 bằng toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN sẽ do NSDLĐ xem xét thực hiện tùy theo tình hình thực tế tại đơn vị.
Hơn 46.400 lao động được tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất
BHXH Việt Nam cho biết đến ngày 21.8, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 277 đơn vị với 46.407 lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền 323,9 tỷ đồng tại 38/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng xác nhận danh sách cho 346.871 lao động của 18.813 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, gồm: 237.368 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 17.332 đơn vị; 20.383 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 746 đơn vị; 895 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 5 đơn vị; 38.982 lao động ngừng việc do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 của 443 đơn vị, được NSDLĐ vay vốn trả lương ngừng việc; 32.786 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động) của 145 đơn vị.
Ngoài ra, còn 16.457 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 142 đơn vị.
Theo Người lao động