Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) kiến nghị Nhà nước nên can thiệp, tổ chức lại
hệ thống tiêu thụ nông sản, giúp nông dân thoát cảnh "được mùa, mất giá". Ảnh: Trung Thu
Sáng 25-5, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe tờ trình dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê số lao động tự doVề dự án Luật ATVSLĐ, việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động được nhiều đại biểu quan tâm... Đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động và đề nghị quy định một số chính sách cụ thể hơn về ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động; một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động...
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhấn mạnh, việc mở rộng đối tượng áp dụng của dự án luật đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do) là thể chế hóa quan điểm của Đảng, điều 35 của Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia nhằm xây dựng môi trường an toàn cho người lao động trong khu vực này; bảo đảm quyền có việc làm và lao động công bằng của mọi công dân. Đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) cho rằng, việc này bảo đảm quyền lợi cho người lao động tự do, khắc phục được việc chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong khu vực có quan hệ lao động như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình việc mở rộng đối tượng áp dụng và cho rằng, việc này không chỉ bảo đảm quyền cho người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động mà còn làm cho họ có trách nhiệm hơn trong ATVSLĐ; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. Tuy nhiên, đại biểu Sơn cũng cho rằng, để thực hiện được cần có quy định rõ ràng cụ thể vì trong dự thảo quy định trách nhiệm của cơ quan, các cấp trong ATVSLĐ còn chung chung, khó thực hiện.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị, để bảo đảm khả thi, ban soạn thảo cần giải trình rõ các vấn đề: về nguồn lực, về quản lý và về chính sách với người lao động không làm việc trong quan hệ lao động. Vì thực tế cho thấy với nguồn lực manh mún, việc quy định quản lý không chặt sẽ khiến không biết đơn vị nào có trách nhiệm làm cho các chính sách, quy định hiệu quả không cao. Đại biểu Vinh cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động để bảo đảm tính khả thi.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động thống kêCũng trong buổi sáng, Chính phủ đã trình QH dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Dự án luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước nên các quy định tại luật chủ yếu vẫn tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện. Đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện chỉ quy định về mục đích, nguyên tắc, yêu cầu và phạm vi, đồng thời quy định lĩnh vực cấm hoạt động thu thập thông tin (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).
Cần có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sảnPhát biểu thảo luận tại tổ chiều 25-5, đa số các ý kiến tán thành báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Nhiều ý kiến tập trung nêu rõ những thành tựu trong các tháng đầu năm, cả nước đã vượt khỏi khó khăn, phát triển theo hướng ổn định về an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp đề ra trong những tháng cuối năm còn chung chung, thiếu cụ thể.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) không đồng tình với các giải pháp do Chính phủ đề ra trong 6 tháng cuối năm vì còn chưa sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) băn khoăn vì báo cáo chưa nêu rõ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, nhất là trong tình hình nước ta đã và đang gia nhập nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đa phương, song phương như hiện nay. Theo đại biểu Hòa, có nhiều nội dung quan trọng nhưng mới chỉ nêu lướt qua, như việc cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước; vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Đề cập lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Hòa kiến nghị Nhà nước nên can thiệp, tổ chức lại hệ thống tiêu thụ nông sản, giúp nông dân thoát tình cảnh "được mùa, mất giá". Đại biểu Hòa dẫn chứng bằng câu chuyện được mùa, rớt giá lặp lại nhiều lần đối với các mặt hàng nông sản nhưng sự can thiệp của Nhà nước trong việc tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn hạn chế. "Việc xuất khẩu vải sang Mỹ, Australia còn khó khăn, tại sao không đầu tư máy chiếu xạ ở phía Bắc mà lại phải mang vải thiều từ Hải Dương, Bắc Giang vào tận Bình Dương để chiếu xạ rồi mới xuất khẩu được", đại biểu Hòa nói.
Một số ý kiến cho rằng cải cách hành chính cũng còn hình thức, bộ máy chính quyền hoạt động cồng kềnh, kém hiệu quả; cán bộ khối Đảng, đoàn thể được tăng 30% phụ cấp, trong khi cán bộ khối chính quyền thì không, đây là minh chứng cho việc chính sách đưa ra gây mất công bằng xã hội. Một số đại biểu cũng nêu việc người dân băn khoăn nhiều về những hiện tượng tiêu cực xã hội và lo lắng trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình nợ công... Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, QH thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể, có mục tiêu, chỉ tiêu minh bạch, gắn với từng nhiệm vụ trong các tháng cuối năm.
PV-TTXVN